Le Figaro: Pháp mất vị trí cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới

Báo Le Figaro có bài viết với tựa đề ''Pháp đã mất vị trí nền kinh tế lớn thứ năm thế giới," với GDP tụt xuống sau Anh trong 2014, do tăng trưởng “yếu” và ảnh hưởng của việc đồng euro mất giá.
Le Figaro: Pháp mất vị trí cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới ảnh 1Một siêu thị ở Pháp. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Báo Le Figaro (Pháp) ra ngày 7/1 có bài viết với tựa đề ''Pháp đã mất vị trí nền kinh tế lớn thứ năm thế giới," với GDP tụt xuống sau Vương quốc Anh trong năm 2014, do tăng trưởng “yếu” và ảnh hưởng của việc đồng euro mất giá.

Theo số liệu mới công bố của Ủy ban châu Âu (EC), năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp chỉ đạt 2.134 tỷ euro, trong khi GDP của nước Anh đạt 2.232 tỷ euro. Trong năm 2013, GDP của Xứ sở Sương mù còn thấp hơn Pháp 97 tỷ euro. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng 3% trong năm 2014, nước Anh đã vượt lên trên quốc gia láng giềng bên kia bờ biển Manche.

Tin không vui này được đưa ra khi mà chỉ cách đây ít ngày, hôm 31/12/2014, trong thông điệp mừng năm mới gửi đến toàn dân, Tổng thống Pháp vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu: “Pháp là một nước lớn, là cường quốc kinh tế thứ năm thế giới," nhưng đó là nước Pháp của năm 2013.

Trong khi các nền kinh tế châu Âu như Đức và nước Anh đã thoát ra khỏi "vũng lầy" khủng hoảng một cách khá ấn tượng thì kinh tế Pháp vẫn tiếp tục trì trệ trong năm 2014. Nước Pháp giống như một thành viên "ốm yếu" của Liên minh châu Âu (EU) với những con số thống kê đáng thất vọng như tỷ lệ thất nghiệp đã lập kỷ lục mới trong tháng 11/2014, với gần 3,5 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp, tăng 27.400 người so với tháng trước đó, tăng 181.000 người so với đầu năm và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Kinh tế Pháp chỉ tăng trưởng 0,3% trong quý 3/2014 so với cùng kỳ năm trước, trong khi đầu tư của các doanh nghiệp vẫn rất thấp và nợ công đã lên tới gần 2.032 tỷ euro, tương đương hơn 95% GDP. Thâm hụt ngân sách vẫn là nỗi ám ảnh đối với nước Pháp và được dự báo ở mức tương đương 4,4% GDP trong năm 2014 và 4,3% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với mức quy định 3% GDP của EU.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho biết Paris chưa thể giảm thâm hụt ngân sách xuống mức trần 3% GDP theo quy định trước năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.