Cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã sang trang mới sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/9 chính thức đưa Hy Lạp ra khỏi danh sách các quốc gia báo động về thâm hụt ngân sách, sau khi quốc gia Nam Âu này đã thu được những kết quả kinh tế khả quan trong thời gian qua.
Với sự nhất trí của chính phủ các nước thành viên, EU đã quyết định kết thúc các biện pháp được áp đặt từ tám năm qua nhằm buộc Hy Lạp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Hiện thâm hụt của Hy Lạp đã giảm xuống dưới mức trần của EU là tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ba nước còn lại vẫn nằm trong "quy trình xử lý thâm hụt vượt mức" - một chế tài của EU đối với các nước có mức thâm hụt vượt mức trần gồm Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
[Hy Lạp sẽ sớm "tạm biệt" chương trình thắt lưng buộc bụng]
Theo quy định của EU, các nước trong Eurozone không được phép vượt quá mức 3% GDP và phải có các biện pháp cân bằng tài chính công trong trung hạn.
Trao đổi với báo giới, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici nhấn mạnh quyết định trên là sự thừa nhận cho những nỗ lực của người dân Hy Lạp để khôi phục sự ổn định của hệ thống tài chính công.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Estonia Toomas Toniste nhận định sau nhiều năm khó khăn và khủng hoảng, tình hình tài chính của Hy Lap giờ đã được cải thiện tốt hơn.
Hồi năm 2009, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đã leo lên mức trên 15% GDP, một con số gây "sốc" đối với cả thế giới. Sau ba gói cứu trợ với các điều kiện hà khắc của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm ngoái, Hy Lạp đã đạt thặng dư ngân sách 0,7% GDP và dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ giảm mức thấp 1,2% GDP trong năm nay./.