Trang businesslive.co.za đã đăng bài của Kyle Hiebert, cựu Phó Tổng biên tập của Africa Conflict Monitor, trong đó phân tích những tác động tiêu cực đối với châu Phi do tình trạng di cư của người dân lục địa này tới châu Âu. Nội dung như sau:
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã bày tỏ nỗi lo ngại tột độ của các nước Bắc bán cầu về tình trạng di cư từ phía Nam bán cầu, và cảnh báo rằng châu Âu “sẽ phải trả giá đắt về mặt di cư” nếu sự phát triển của châu Phi chững lại.
Dữ liệu thống kê cho thấy một số lượng nhỏ người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn từ các nước đang phát triển thực sự xâm nhập được vào pháo đài châu Âu hoặc vào Bắc Mỹ ngày nay, chứ chưa nói đến Australia, Nhật Bản, Singapore, New Zealand và các quốc gia khác.
Ngược lại, phần lớn di chuyển trong nước hoặc tới các quốc gia và khu vực láng giềng, điều có ý nghĩa quan trọng đối với châu Phi.
Kết hợp với sự bùng nổ dân số đang diễn ra trên Lục địa Đen, cách thức quản lý di cư và di tản có thể thúc đẩy hoặc làm trật bánh Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và những nguy cơ nổi lên do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Hơn 16 triệu người ở khu vực Nam Sahara đã di cư khỏi quốc gia bản địa. Mặc dù là khu vực nghèo nhất trên thế giới, Nam Sahara châu Phi đang là nơi tiếp nhận hơn 1/4 dân số tị nạn trên thế giới. Riêng Uganda đón 1,4 triệu người tị nạn và Sudan hơn 1 triệu người.
Trong khi đó, một báo cáo mới của Trung tâm Giám sát Dịch chuyển nội bộ lưu ý rằng gần 7 triệu người ở khu vực Nam Sahara châu Phi đã phải di tản trong năm ngoái do xung đột và bạo lực, và 4 triệu người khác di tản vì thiên tai.
Trong 10 năm, tổng số người di cư do xung đột đã tăng gấp 3 lần, lên tới gần 22 triệu người và nhiều người trong số họ có thể không trở về nhà trong nhiều năm.
Biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế theo sau sẽ tiếp tục thúc đẩy và làm trầm trọng thêm tình trạng di cư trên khắp châu Phi.
Nhiều người sẽ vượt biên để tìm kiếm các cơ hội kinh tế và sự an toàn trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và nhiều người sẽ chạy trốn khỏi các cuộc xung đột vũ trang mới giữa các quốc gia và cả trong nội bộ một nước do nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo rằng với tình trạng ấm lên toàn cầu như hiện nay, đến năm 2050 sẽ có khoảng 86 triệu người châu Phi phải tị nạn do biển đổi khí hậu.
[Tunisia giải cứu gần 180 người di cư định vượt Địa Trung Hải]
Nếu không có các chính sách di cư phù hợp, bất ổn xã hội, căng thẳng chính trị và bạo lực giữa các cộng đồng sẽ ngày càng gia tăng.
Hoạt động kinh doanh, đầu tư, các sáng kiến phát triển và quan hệ đối ngoại sẽ bị cản trở rất nhiều trong quá trình này, làm xói mòn lòng tin và sự đoàn kết cần thiết để hiện thức hóa tiềm năng thực sự của AfCFTA, vốn kêu gọi tăng cường hội nhập kinh tế bằng cách cải thiện quyền tự do đi lại của người dân.
Đơn cử tại Nam Phi, cuộc khủng hoảng bài ngoại xảy ra vài năm một lần, khi các địa phương nghèo ở nước này bị mắc kẹt bởi các chính sách của chính phủ hoặc tình trạng tham nhũng phổ biến.
Gần đây nhất, làn sóng tấn công nhằm vào công dân nước ngoài, cướp bóc và phá hủy các cửa hàng thuộc sở hữu nước ngoài hồi tháng 9/2019 đã khiến du khách quốc tế hủy hàng loạt các chuyến đi đã đặt trước tới quốc gia Cầu vồng, đồng thời Đại sứ quán Nam Phi và các chi nhánh của công ty viễn thông Nam Phi (MTN) tại Nigeria đã phải đóng cửa tạm thời nhằm tránh bạo lực trả đũa.
Những người tị nạn sống mòn mỏi trong các trại tị nạn cũng có thể bị khai thác để phục vụ các mục tiêu chính sách đối ngoại của quốc gia sở tại.
Việc Kenya thúc đẩy đóng cửa 2 trại tị nạn lớn nhất ở nước này - nơi có hơn 200.000 người tị nạn Somalia - được xem là nỗ lực “vụng về” để giành lợi thế trong các tranh chấp ngoại giao với Somalia.
Trước đó, khi Burundi rơi vào khủng hoảng chính trị đẫm máu hồi năm 2015, chế độ của Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã tuyển mộ, vũ trang và huấn luyện những phần tử nổi dậy người Burundi từ các trại tị nạn ở Rwanda nhằm lật đổ Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza.
Những người cố gắng thoát khỏi chế độ chuyên quyền, ngược đãi và nghèo đói ở Đông và Tây Phi đã phải trả cho các tổ chức tội phạm buôn người trên khắp Sahel ít nhất 5.000 USD để được đưa tới Libya, cửa ngõ chính để người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải vào châu Âu.
Thông qua các tuyến đường cổ xưa băng qua sa mạc Sahara không bị các chính quyền kiểm soát, những người di cư bị buôn bán cùng với ma túy, vũ khí và các loại hàng lậu khác để cung cấp tài chính cho quân nổi dậy và các nhóm thánh chiến Hồi giáo có liên kết với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong khi đó, tốc độ gia tăng nhanh chóng số người sử dụng các mạng xã hội trên khắp châu Phi cũng làm trầm trọng thêm sự hằn thù sắc tộc và tôn giáo trong các nhóm dân cư hỗn hợp.
Những kích động trực tuyến độc hại đang châm ngòi cho các cuộc chia rẽ, tàn sát, bạo lực đám đông và các hành động tàn bạo khác giữa người theo đạo Cơ đốc và người Hồi giáo ở Cộng hòa Trung Phi, cộng đồng nói tiếng Anh với cộng đồng nói tiếng Pháp ở Cameroon, cũng như giữa các nhóm sắc tộc thù địch ở Ethiopia, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tristan Harris, đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ nhân đạo, cho biết việc thiếu người kiểm duyệt nội dung đăng trên Facebook bằng tiếng địa phương trên khắp châu Phi khiến việc giám sát nội dung cực đoan và thông tin sai lệch không thể thực hiện được, ngay cả khi các chính phủ thực sự muốn.
Điều trớ trêu là sự trợ giúp từ bên ngoài thường khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Trong những năm gần đây, châu Âu đã cung cấp hàng trăm triệu USD và thiết bị giám sát cho quân đội Sudan và lực lượng bảo vệ bờ biển Libya để ngăn chặn dòng người di cư dù hoàn toàn nhận thức được rằng điều đó sẽ dẫn đến gia tăng vi phạm nhân quyền.
Chiến dịch do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm ngăn chặn dòng người di cư đi qua Niger, quốc gia nghèo nhất thế giới, đã phá hủy nền kinh tế địa phương ở Agadez, một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất của nước này.
Các chiến thuật vũ trang mạnh tay này rốt cuộc càng khiến dòng người di cư gia tăng, thay vì ngăn cản họ.
Các phương pháp tiếp cận tốt hơn bao gồm Khung chính sách di cư mang tính bước ngoặt do Liên minh châu Phi (AU) đề ra hồi năm 2018, hay Chiến lược lục địa cho châu Phi do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) công bố tháng 10/2020 và Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc năm 2016, trong đó Libya là quốc gia châu Phi duy nhất chưa ký.
Cả 3 văn kiện trên đều nhấn mạnh cách hệ thống nhập cư được quản lý tốt và toàn diện hơn có thể là chất xúc tác cho sự phát triển quốc gia. Tăng cường hợp tác liên chính phủ về các vấn đề di cư và di tản cũng là vấn đề cần thiết và đã được ủy quyền thông qua AfCFTA.
Nếu được xử lý đúng cách, di cư có thể góp phần phục hồi kinh tế và xã hội ở châu Phi bằng cách giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, hàn gắn sự chia rẽ xã hội, giảm thiểu bất ổn chính trị, giảm lợi nhuận tội phạm và hạn chế các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp lục địa.
Nhưng việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), đại dịch COVID-19 đã đẩy thêm 30 triệu người châu Phi vào cảnh nghèo cùng cực và con số đó có thể tăng gấp đôi vào năm 2022 nếu việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi tiếp tục bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới.
Tính đến đầu tháng 6/2021, lượng vaccine sử dụng tại châu Phi chỉ chiếm hơn 1% trong số hơn 1,3 tỷ liều vaccine trên toàn cầu.
Sự phục hồi kinh tế chậm hơn và có thể mất nhiều năm ở châu Phi đồng nghĩa với việc người dân nghèo hơn và tuyệt vọng hơn, đồng thời giảm nguồn thu của các chính phủ vốn đang thiếu ngân sách để thực hiện các chính sách di cư dài hạn.
Và các chính sách như vậy sẽ chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện cùng với các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn và các chương trình phát triển kỹ năng, cải thiện các cơ chế giải quyết xung đột và có những tiến bộ thực sự trong phát triển xã hội, xóa bỏ nạn tham nhũng tràn lan đang tiếp tục làm chảy máu các thể chế ở châu Phi.
Để thực hiện những yêu cầu trên đòi hỏi phong cách lãnh đạo vị tha, hợp tác và có tầm nhìn xa hiện đang vắng bóng trong nhiều chế độ chuyên quyền lạc hậu ở châu Phi.
Tổng thống Pháp Macron đã phần nào nhận thức ngược vấn đề vì nếu châu Phi chùn bước trong việc đối phó với các vấn đề di cư của châu lục, chính Lục địa Đen sẽ phải trả giá đắt về mặt phát triển chứ không phải là châu Âu./.