Cháy chung cư: "Người dân đừng thờ ơ với mạng sống của mình"

Lãnh đạo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho rằng: Người dân phải làm chủ trong lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy để bảo vệ cho chính bản thân mình.
Cháy chung cư: "Người dân đừng thờ ơ với mạng sống của mình" ảnh 1Đại tá Nguyễn Văn Sơn-Phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội. (Ảnh: Võ Phương)

Những vụ cháy xảy ra tại các tòa nhà cao tầng vừa qua dấy lên lo ngại trong dư luận về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy khi các chủ đầu tư có xu hướng "mải mê" bán căn hộ mà bỏ quên những quy định về tiêu chuẩn an toàn mà cơ quan chức năng yêu cầu.

Điển hình như vụ việc xảy ra tại tòa nhà CT4A Khu đô thị Xa La, Hà Đông, khi tòa nhà chưa được nghiệm thu về an toàn phòng cháy chữa cháy, chủ đầu tư đã cố tình bỏ qua và đón các cư dân về ở.

Trách nhiệm từ phía nhà đầu tư đã quá rõ ràng. Nhưng ở một phương diện khác, các cư dân tòa nhà - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, cần phải làm gì để giảm thiểu các rủi ro về hỏa hoạn đến với mình khi sinh sống tại tòa nhà cao tầng.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội (Công an thành phố Hà Nội) đã đưa ra một số lời khuyên dành cho người dân đã, đang và có ý định chọn các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư làm nơi sinh sống.

Theo đại tá, trước khi về sống tại tòa nhà, người dân cần tìm hiểu xem tòa nhà đã được nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy hay chưa. “Tâm lý người dân thường nóng ruột, mong cho mau chóng được vào ở, đây là tâm lý dễ hiểu bởi nhu cầu ổn định cuộc sống, tuy nhiên, người dân cần phải tỉnh táo trong vấn đề này,” đại tá Sơn chia sẻ.

Tiếp theo, người dân cần phải tuân thủ các nội quy, quy định của Ban quản lý tòa nhà về công tác Phòng cháy chữa cháy.

Một điều vô cùng quan trọng, đại tá Nguyễn Văn Sơn cho rằng: ​Mỗi người dân cần nghiên cứu bố trí t​òa nhà, vị trí thang thoát nạn cũng như các trang thiết bị phương tiện phòng cháy chữa cháy được lắp ở đâu, có đầy đủ hay không. Điều này giúp người dân chủ động hơn trong việc ứng phó với các sự cố xảy ra. “Chữa cháy từ bên trong luôn quan trọng và hiệu quả hơn chữa cháy từ bên ngoài,” đại tá nhấn mạnh.

​Người dân cần tham gia các lớp do ban quản lý tổ chức liên quan đến phòng cháy chữa cháy. “Thực tế, theo quan sát của chúng tôi, trong các buổi tuyên truyền, số người tham gia rất ít, thậm chí có nhà còn để cho người giúp việc tham gia cho có,” đại tá​ Sơn chia sẻ.

Cuối cùng, đại tá Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Người dân phải làm chủ trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cần biết xem ban quản lý có thực hiện đúng chức năng, thiết bị có đầy đủ hay không?

Sau vụ cháy tại tòa nhà CT4A Khu đô thị Xa La, dư luận đặt ra câu hỏi về việc chiếc xe thang của lực lượng Phòng cháy chữa cháy có chiều cao quá thấp, không đủ vươn lên cứu hộ tại các tầng cao. Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Xe thang vốn để phục vụ việc vận chuyển cho nhanh và vận chuyển những đối tượng khó di chuyển, cần giúp đỡ như người già, người khuyết tật, người bệnh.

“Thực tế, trên thế giới, không có nước nào dùng thang chữa cháy để cứu hộ, chỉ dùng cho chữa cháy là chính. Nếu bảo xe thang thấp, có cao lên thêm, với các công trình cao hơn nữa thì lấy đâu ra thang, cái cao nhất (75 mét) ở thành phố Hồ Chí Minh rất khó di chuyển, dễ gây sụt lún,” đại tá Sơn ​giải thích.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục