Sức mua thấp, cộng với áp lực cạnh tranh gay gắt đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa lâm vào tình cảnh khó khăn.
Báo cáo tài chính của công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) cho thấy, quý II năm nay, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 67 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hanoimilk đạt xấp xỉ 106 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với giảm doanh thu, khoản lỗ sau thuế trong nửa đầu năm của công ty này là 1,5 tỷ đồng.
Khó khăn của Hanoimilk không phải là trường hợp đơn lẻ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sữa trong nước cũng phải đối mặt với việc sụt giảm doanh thu và lợi nhuận do sức mua ngày càng thấp.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc công ty cổ phần sữa Ba Vì, kinh tế suy thoái đã khiến sức tiêu thụ một số mặt hàng sữa của công ty giảm rõ rệt.
Ông Vinh đơn cử, mọi năm khi thu nhập còn ổn định, trung bình một bà mẹ chi từ 200.000-300.000 đồng mỗi tháng cho việc mua các sản phẩm sữa tươi hoặc sữa chua, nhưng 2 năm gần đây do thu nhập giảm nên khoản chi tiêu cho sữa cũng co hẹp dần, chỉ còn khoảng 50.000 đồng mỗi tháng.
Do cạnh tranh diễn ra gay gắt, để giữ được ưu thế cho sản phẩm, các nhà phân phối và đại lý cũng đòi hỏi chi phí marketing tăng lên dẫn đến lợi nhuận của các công ty sữa giảm mạnh.
"Thương trường là chiến trường, chi phí ngày càng tăng đã làm cho doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh," ông Vinh cho hay.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, các sản phẩm sữa rất đa dạng, bao gồm các loại sữa bột công thức, sữa chua, sữa đặc, sữa nước, sữa đậu nành... Thống kê cho thấy, mỗi năm ngành sữa trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 25-35% lượng tiêu dùng trong nước, phần còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Riêng năm 2013, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để giữ thị phần, nhiều doanh nghiệp đã tung ra các chiêu cạnh tranh hết sức mạnh mẽ, như tăng chiết khấu cho đại lý buộc các doanh nghiệp nhỏ phải bỏ cuộc.
Nói về sự cạnh tranh này, một giám đốc chuyên nhập khẩu sữa Pháp cho hay, bất chấp kinh doanh khó khăn, nhiều hãng sữa đã tung ra mức chiết khấu thật cao để "bóp" các doanh nghiệp khác.
Vị giám đốc này dẫn chứng, nếu một hãng sữa đưa ra chiết khẩu 20% cho đại lý thì hãng khác sẽ chạy đua và nâng lên mức 22%, điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ không theo kịp và phải chấp nhận loại khỏi thị trường.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình sản xuất mặt hàng sữa bột có xu hướng giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sản lượng sản xuất sữa cả nước trong tháng Sáu ước đạt 5,1 ngàn tấn sữa bột (tương đương 64,4% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, lượng sữa bột ước đạt 39 ngàn tấn (bằng 95,8% so với cùng kỳ năm trước).
Bộ Công Thương cũng chỉ ra những thách thức lớn đối với ngành sữa trong nước thời gian tới đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm sữa nội, ngoại trong bối cảnh các rào cản về thuế quan đang từng bước được gỡ bỏ.
Để khắc phục tình trạng mất cân đối giữa lượng sữa nhập khẩu và sữa sản xuất trong nước như hiện nay, Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để đầu tư cho vùng nguyên liệu và mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có nhằm phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ nguyên liệu sữa bột nhập ngoại.
Trong công tác quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ định hướng việc phát triển công nghiệp chế biến sữa gắn chặt với việc phát triển đàn bò sữa trong nước. Các cơ sở chế biến phải có chương trình đầu tư cụ thể phát triển đàn bò sữa. Bố trí địa điểm xây dựng các nhà máy chế biến sữa gắn với các trung tâm tiêu thụ sản phẩm và vùng chăn nuôi bò sữa tập trung và từng bước khắc phục sự mất cân đối trong chuỗi giá trị ngành sữa, nâng cao thu nhập cho người nông dân./.