Ngày 28/7, Cộng hòa Dân chủ Congo đã phát động cuộc đấu giá gây tranh cãi cho 30 lô dầu khí, bất chấp cảnh báo rằng việc khoan dầu trong các khu rừng nhiệt đới và vùng đất than bùn của nước này có thể gây ra thảm họa về môi trường.
Trong số 27 lô dầu được đưa ra đấu giá ở thủ đô Kinshasa, 9 lô nằm trong khu vực rừng nhiệt đới và đất than bùn khổng lồ tại bể dầu trung tâm ở phía Tây đất nước.
Mở đầu phiên đấu giá hôm 28/7, Tổng thống Congo Felix Tshisekedi nói rằng công việc thăm dò sẽ được thực hiện "bằng cách sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại nhất để bảo vệ môi trường."
Ông nói thêm, bất kỳ hoạt động khoan nào sẽ phải tuân theo một kế hoạch được thiết kế để giảm thiểu tác động có hại đối với hệ sinh thái.
[Algeria công bố phát hiện 3 mỏ dầu và khí đốt mới tại sa mạc Sahara]
Ông Tshisekedi khẳng định sản xuất dầu và khí đốt sẽ cho phép Cộng hòa dân chủ Congo giảm sự phụ thuộc vào khai thác mỏ - vì lợi ích của người dân của nước này.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 3/4 dân số 90 triệu người của Cộng hòa dân chủ Congo sống với mức dưới 1,9 USD/ngày, bất chấp trữ lượng khổng lồ về vàng, đồng và coban của đất nước.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo về vùng đất than bùn với diện tích tương đương với nước Anh của Cộng hòa dân chủ Congo.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí Nature vào năm 2016, các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 30 tỷ tấn carbon được lưu trữ trên toàn bộ lưu vực.
Các nhóm hoạt động vì môi trường như Greenpeace đã cảnh báo rằng kế hoạch khoan ở các vùng đất than bùn của bể trung tâm có thể giải phóng một lượng lớn khí nhà kính và làm gia tăng cảnh báo toàn cầu về biến đổi khí hậu./.