Chi bộ chung sức xây dựng thương hiệu “rau an toàn” ở Cổ Loa

"Tôi thấy từ trước tới nay bất kể có việc gì chi bộ triển khai, nếu đảng viên thực hiện trước thì xã viên sẽ tin tưởng. Còn nếu đảng viên mà không làm thực sự thì quân chúng cũng sẽ dè chừng.”
Chi bộ chung sức xây dựng thương hiệu “rau an toàn” ở Cổ Loa ảnh 1Bác Đào Văn Chung chủ nhiệm Hợp tác xã Mạch Tràng. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp “Made in Vietnam” đang đẩy lên theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Sản lượng, chất lượng, tính đa dạng, sự an toàn, độ tươi ngon… trong mỗi sản phẩm là chưa đủ, mà phương thức cũng như quá trình sản xuất sẽ được kiểm soát, các sản phẩm sẽ được truy xuất nguồn gốc công khai, minh bạch đồng thời yếu tố môi trường cũng là yếu tố tính điểm không thể thiếu.

Vấn đề đặt ra thì vĩ mô nhưng khi thực hiện lại bắt đầu từ vi mô, từ mỗi người nông dân, mỗi hộ sản xuất nuôi-trồng trong nông nghiệp. Nắm bắt được vấn đề đó, một nhóm những cán bộ, đảng viên ở Hà Nội sau khi hoàn thành các vị trí công tác trong xã hội, đã kết nối cùng bà con nông dân cùng nhau làm “cánh mạng” trên đồng ruộng.

“Cánh mạng” từ trong tư tưởng

Đến với vựa rau Mạch Tràng, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội vào ngày cuối Thu, con đường “độc đạo” nhỏ hẹp nằm giữa những thửa ruộng dẫn vào trụ sở Hợp tác xã, hai bên là cánh đồng lúa óng vàng vào vụ gặt và những thửa rau xanh mởn với rất nhiều chủng loại.

Cái nắng chính Ngọ chói chang nhưng không còn oi bức, không khí trong lành thoang thoảng trong gió hương thơm của lúa chín. Bác Đào Văn Chung chủ nhiệm Hợp tác xã Mạch Tràng trầm ngâm cho biết, thời điểm này trên ruộng đã bớt đi thuốc bảo vệ thực vật nên không khí mới dễ thở như vậy. Làm chủ nhiệm Hợp tác xã từ 1998, người cán bộ 48 năm tuổi đảng này luôn đau đáu trong lòng “nỗi khổ” của nghề nông.

Theo bác Chung, Hợp tác xã Mạch Tràng sản xuất rau chiếm 1/3 tổng diện tích hợp tác xã (114,8 ha), trong đó 20,3ha được thành phố công nhận vùng rau an toàn, tuy nhiên phần diện tích còn lại vẫn được các thành viên trồng rau bán.

“Phương thức sản xuất cũ sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng cao, thời gian thu hoạch nhanh. Nhưng sử dụng trong thời gian dài, đồng đất bị thoái hóa và chai cứng. Một số cây trồng bị nghẹn rễ không thể lên được. Thêm vào đó, trong thông đã có nhiều người dân bị bệnh tật. Song, người ta vẫn cho rằng bệnh tật là nguyên nhân khách quan, ít ai nghĩ đến là do ảnh hưởng trong quá trình lao động sản xuất theo phương thức cũ. Tuy nhiên, một số người dùng thuốc trong quá trình lao động chân tay bị mẩn ngứa là có rồi,” bác Chung than thở.

Bác Chung chia sẻ, Hợp tác xã có 1.061 thành viên, đơn vị hành chính thôn có chi bộ lãnh đạo trực tiếp với 39 đồng chí đảng viên đang sinh hoạt. “Tôi nói thật, cả vùng rau bạt ngàn giờ không còn cây xen canh.

Đối với chương trình làm nông nghiệp sạch, được sự hưởng ứng của chi bộ, các đồng chí đảng viên đi đầu trong thực hiện. Trong các hội nghị thường kỳ, chi bộ ra chủ chương chung, sau đó giao cho Hợp tác xã tuyên truyền vận động quần chúng, nhân dân thực hiện đúng với các quy trình hướng dẫn, xây dựng thương hiệu của Cổ Loa "sản xuất thực phẩm an toàn."

Chi bộ chung sức xây dựng thương hiệu “rau an toàn” ở Cổ Loa ảnh 2Diễn đàn “Xây dựng thương hiệu Cổ Loa về sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch.” (Ảnh: IDE/Vietnam+)

Bác Chung cho biết, hiện tại Hợp tác xã đang cùng Công ty TRAIGOLD-SFA, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) chuyển giao Giải pháp tổng thể cải tạo đất, nước, kỹ thuật tự chế rác thải trong sản xuất nông nghiệp thành phân hữu cơ và giống cây trồng cho người nông dân. Trên cơ sở người nông dân cam kết sử dụng phân hữu cơ vi sinh và tuân thủ quy trình ứng dụng giải pháp trên, IDE sẽ cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đồng thời Traigold sẽ phối hợp tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên.

Đảng viên đi trước

Chị Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại quốc tế TRAIGOLD-SFA tâm sự, hai vợ chồng chị là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, nay vì đam mê làm nông nghiệp sạch, đến lúc bạc đầu lại mang ít vốn liếng an hưởng tuổi già ra khởi nghiệp.

“Đảng viên thời chúng tôi những năm 80 ‘vừa hồng vừa chuyên’ nhưng các bạn trẻ bây giờ dường như thiếu đi lý tưởng sống. Đầu những năm 90, tôi được người bạn giới thiệu bộ hồ sơ về các loại sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, có cái loại phân gì mà có thể uống được, đọc vào là tôi mê ngay. Nhưng thú thật giai đoạn đó không có đủ điều kiện triển khai phát triển sản phẩm."

"Phải đến bây giờ, sự bức xúc lên đến đỉnh điểm với một nền sản xuất cũ lạc hậu, ảnh hưởng sức khỏe không chỉ cho người tiêu dùng mà cả người sản xuất. Trong thâm tâm, tôi không nghĩ mình mở công ty là để kiếm nhiều tiền, mà đó là tính nhân văn. Không chỉ cứu mình mà là cả cộng đồng, vì môi trường sạch là không khí, thức ăn có nghĩa là từ đồng ruộng lên mâm cơm phải sạch. Chứ ăn bẩn uống rồi thuốc thải độc, thải gan đều giải quyết phần ngọn,” chị Dung nói.

Bên cạnh trồng trọt, tình trạng chăn nuôi tại các hộ xã viên cũng gây ra ô nhiễm trầm trọng.

Chị Bùi Thị Lâm, thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa cho biết, nhà chị nuôi bò 2 con và khoảng 40 con ngan và gà. Mùi tanh của ngan, khai của nước đái bò lúc nào cũng quanh quẩn trong nhà.

Chị Lâm thú thật, những hộ chăn nuôi nhiều, thường bị người dân xung quanh phàn nàn về ô nhiễm môi trường của thôn. Trước đây, những phế thải này chị để chảy tự nhiên ra môi trường. Sau đó, chị Lâm đã đào một hố phân lớn ở ngoài đồng. Trước hết chị cho rằng sẽ sạch nhà mình đồng thời mùi ô nhiễm ở ngoài đồng sẽ không ai phàn nàn.

Song qua các buổi họp xã viên, chi bộ và các lãnh đạo thôn vận động người dân tham gia mô hình sản xuất rau hữu cơ để bảo vệ sức khỏe cho mình và có sản phẩm sạch, chị đã bắt đầu có những nhận thức mới.

Gia đình chị Lâm quyết định tham gia vào Chương trình tự sản xuất phân hữu cơ từ các phế thải chăn nuôi (phân bò, cỏ, trấu, rơm) vừa có lợi về kinh tế lẫn môi trường.

Chi bộ chung sức xây dựng thương hiệu “rau an toàn” ở Cổ Loa ảnh 3Chị Bùi Thị Lâm, thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Chị Lâm kể, “khi có chương trình này thì hầu hết các đảng viên trong thôn đều tham gia vào và họ vận động nhân dân cùng làm theo. Một số các bác đảng viên như bác Chung cũng tham gia trực tiếp sản xuất. Bác ý có nói đi đôi với làm còn thêm nữa đạo đức lối sống thì gương mẫu, thật thà. Tôi thấy từ trước tới nay bất kể có việc gì chi bộ triển khai, nếu đảng viên thực hiện trước thì xã viên sẽ tin tưởng. Còn nếu đảng viên mà không làm thực sự thì quần chúng cũng sẽ dè chừng.”

Giải pháp cho đầu ra

Hăm hở với phương thức sản xuất mới, bác Chung thật thà, “sau một buổi lao động từ đồng về, cơ thể tôi cảm thấy rất thoải mái và không mệt mỏi như trước. Song nói về cây rau ở đây là đa dạng, các loại rau đều có đủ nhưng nỗi lo nhất vẫn là đầu vào. Những lúc đắt thì không đủ hàng bán, lúc sản phẩm nhiều thì lại bán khó khăn. Đồng rau sản xuất đại trà hàng chục tấn mỗi ngày, hợp tác xã không dám cáng đáng tiêu thụ, có những thời điểm bà con phải bán rau rẻ cho các đầm, hồ nuôi cá."

Trồng rau sạch không bán được bởi nguyên nhân bắt nguồn từ “niềm tin,” do đó rất cần phải có một loại chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Tín, trước công tác ở Sở Công an Thành phố Hà Nội, vừa nhận sổ hưu từ tháng 10/2016, vui vẻ chia sẻ “hai vợ chồng mình cũng đều trên 30 năm tuổi Đảng, cả cuộc đời làm công an, tới khi về hưu duyên phận thế nào lại đi trái nghề. Con trai tôi, cháu Nguyễn Hoàng Tùng, sinh năm 1987, học ở Anh về và là một trong ba tác giả của sáng chế tem chống hàng giả thuộc bản quyền của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển. Như thế đấy, con trai là người trực tiếp nghiên cứu và bố là người triển khai.”

Ông Tín cho hay, việc đầu tiên phục vụ bà con là triển khai công tác tuyên truyền. Hàng giả hàng nhái đang len lỏi khắp mọi nơi, tất cả phân khúc thị trường, từ siêu thị đến chợ đầu mối, rồi tới các chợ nhỏ địa phương.

Chi bộ chung sức xây dựng thương hiệu “rau an toàn” ở Cổ Loa ảnh 4Người dân xã Cổ Loa tham dự và phát biểu tại Diễn đàn “Xây dựng thương hiệu Cổ Loa về sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch.” (Ảnh: IDE/Vietnam+)

Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm đã tính toán làm sao đưa một giải pháp hữu hiệu giúp bà con, mục đích là làm sao để bà con tận dụng được tất cả sản phẩm mình làm ra với giá trị thực, xứng đáng với những thành quả được hưởng.Với tư cách là nơi chuyển giao công nghệ, IDE giúp cho người dân về kỹ thuật, về quản lý, tư vấn vấn đề xác thực nguồn gốc sản phẩm.

Cụ thể “Quy trình xác thực chống hàng giả” là đề tài khoa học của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển được nhận giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam ngày 16/5/2016. Ngoài việc xác thực sản phẩm, Quy trình này còn có thêm chức năng trả lời nghi vấn của người tiêu dùng bằng giọng nói.

Theo đó, trên mỗi gói thành phẩm hàng hóa đưa đến tay ngươi tiêu dùng sẽ được gắn một con tem, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua điện thoại thông minh (như nguồn gốc cây giống, lịch trình chăm sóc, định vị thửa ruộng và danh tính người sản xuất…)

Ông Tín tâm sự: “Thật ra thì khi làm Chương trình, mọi đảng viên trong Trung tâm không nghĩ rằng mình là người đi đầu, đơn giản chỉ xuất phát từ yêu cầu cuộc sống. Song với trách nhiệm là người chuyển tải thông tin của Đảng và Nhà nước tới dân thì đây là một trong những nhiệm vụ của đảng viên.

"Nhất là đảng viên cơ sở cần đi sát thực tế cuộc sống, nên anh em trong Trung tâm dồn hết tâm lực vào mục đích tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng và các chương trình công tác lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thời gian qua, anh em trong Trung tâm nhất là Đảng viên rất tâm huyết và với kinh nghiệm kiến thức của mình giúp sức cho các chi bộ Đảng, cấp ủy đảng một số địa phương triển khai Chương trình này đến với người dân, sớm đưa chủ trương vào cuộc sống,” ông Tín nói./.

Chi bộ chung sức xây dựng thương hiệu “rau an toàn” ở Cổ Loa
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục