Ngày 14/7, Indonesia và Ấn Độ đã nhấn mạnh lời kêu gọi của các quốc gia mới nổi về việc tăng chi tiêu cho chống biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo đà tăng của giá năng lượng sẽ gây khó khăn cho các quốc gia trong việc cắt giảm khí thải.
Với lạm phát gia tăng trên toàn cầu trước tác động của xung đột Nga-Ukraine, một số quốc gia, bao gồm cả các nước châu Âu, đã chuyển sang sử dụng than và các loại nhiên liệu hóa thạch khác hoặc trì hoãn quá trình chuyển đổi năng lượng do lo ngại về khả năng chi trả và nguồn cung cấp.
Trong một sự kiện tại Bali (Indonesia), Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman và người đồng cấp Indonesia, Sri Mulyani Indrawati đã lưu ý đến giá năng lượng cao hiện nay. Bà Sri Mulyani cho biết lãi suất tăng cao hơn cũng sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi tốn kém hơn trong việc huy động vốn cho công tác chống biến đổi khí hậu.
Bà Mulyani cũng đề cập đến kế hoạch xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo và loại bỏ dần các nhà máy điện than của Indonesia.
[Lượng khí thải của Mỹ gây thiệt hại kinh tế toàn cầu hơn 1.800 tỷ USD]
Nằm trong số các nhà sản xuất và sử dụng than lớn nhất thế giới, Indonesia và Ấn Độ, đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 lần lượt vào năm 2060 và 2070.
Các quốc gia giàu có đã cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 để giúp các quốc gia nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được số tiền đã hứa. Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tháng trước cho biết các nước này sẽ trả toàn bộ số tiền hàng năm vào năm 2023.
Một quan chức Mỹ cho biết khu vực tư nhân sẽ phải huy động thêm nguồn quỹ của chính phủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Theo quan chức này, khoảng 250 tỷ USD đã có sẵn trong các quỹ môi trường, xã hội và quản trị tư nhân.
Andy Baukol, một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết nước này đã khởi động quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng trị giá 8,5 tỷ USD đầu tiên với Nam Phi và các quan hệ đối tác khác đang được G7 thiết lập với Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Senegal./.