Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, chỉ còn 38 tuần nữa là quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về ngưỡng giới hạn 0,5% đối với hàm lượng lưu huỳnh trong tất cả các nhiên liệu dùng để vận chuyển hàng hải chính thức có hiệu lực.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức giới hạn hiện nay là 3,5%.
Yêu cầu trên sẽ khiến các hãng tàu biển ngừng sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao như hiện nay, và chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch hơn, nhưng đắt tiền hơn, hoặc phải lắp thêm các máy lọc thu lượng phát thải lưu huỳnh từ các tàu vận chuyển.
Công ty Quản lý Tài sản Macquarie của Australia đầu năm nay ước tính rằng thay đổi trên sẽ làm tăng khoảng 30% chi phí vận tải bằng đường biển, tác động lớn tới thị trường hàng hóa và người tiêu dùng.
[‘Ông lớn’ Vinalines lãi gần 350 tỷ, giảm lỗ vận tải biển tới 70%]
Chuyên gia phân tích Rudi Vann của Wood Mackenzie, một công ty tư vấn và nghiên cứu về năng lượng của Australia, cảnh báo rằng thay đổi này cũng có khả năng làm tăng chi phí dầu diesel - một trong những chi phí lớn nhất của ngành công nghiệp khai thác - khoảng 6%-7%.
Các công ty khai thác quặng sắt BHP, Rio Tinto và Fortescue Metals của Australia, vận chuyển gần 800 triệu tấn quặng sắt từ Australia đến châu Á, sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quy định mới trên.
Giám đốc điều hành của Rio Tinto, JS Jacques cho biết nhu cầu vận chuyển khoáng sản lớn buộc công ty phải tìm ra nhiều lựa chọn thay thế để đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định mới của IMO.
Một trong những biện pháp chính để đáp ứng tiêu chuẩn mới là lắp đặt các máy lọc khí thải lưu huỳnh, song năng lực sản xuất các máy lọc hiện nay còn hạn chế và chất lượng của chúng vẫn còn gây tranh cãi.
Singapore và Trung Quốc đã hạn chế sử dụng một số loại máy lọc tại các cảng của hai nước này.
Chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp là biện pháp đơn giản hơn, nhưng sẽ tốn kém hơn, trong tình hình cung không đáp ứng đủ cầu như hiện nay.
Theo chuyên gia Vann, tổng nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp trong vận tải biển ở châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ lên tới mức 1,9 triệu thùng/ ngày sau khi quy định mới có hiệu lực.
Trong khi đó, nguồn cung các loại nhiên liệu này trong khu vực chỉ có thể đạt 0,3 triệu thùng mỗi ngày và sẽ nhiều mất thời gian đáp ứng nhu cầu./.