Chỉ số chính về lạm phát của Mỹ xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, trong tháng trước đã tăng 3,0% so với tháng 6/2022; giảm đáng kể so với mức tăng 3,8% ghi nhận hồi tháng Năm.
Chỉ số chính về lạm phát của Mỹ xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm ảnh 1Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Số liệu mới nhất do Chính phủ Mỹ công bố hôm 28/7 cho thấy một chỉ số chính về lạm phát của nước này đã giảm trong tháng 6/2023 xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, dù vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong thông báo mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, trong tháng trước đã tăng 3,0% so với tháng 6/2022. Con số trên giảm đáng kể so với mức tăng 3,8% ghi nhận hồi tháng Năm và là mức tăng theo năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Tính theo tháng, chỉ số giá PCE tháng Sáu của Mỹ tăng 0,2% so với tháng Năm và cao hơn mức 0,1% của tháng trước đó.

Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số PCE tháng Sáu của Mỹ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm so với mức 4,6% của tháng Năm.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân - chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, cũng tăng 0,5% trong tháng Sáu.

[Nền kinh tế Mỹ có triển vọng vượt qua nguy cơ suy thoái]

Với áp lực chi phí sinh hoạt leo thang trong năm qua, Fed đã nhanh chóng nâng lãi suất để giảm nhu cầu và kiềm chế giá cả. Sau cuộc họp diễn ra trong hai ngày 25-26/7, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 trong 12 cuộc họp gần nhất của Fed, nâng lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2001 đến nay trong khoảng 5,25-5,50%. Và tác động của những động thái này đã lan rộng khắp nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lạm phát đã giảm sâu so với mức cao kỷ lục của năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ suy yếu do người tiêu dùng Mỹ chịu áp lực từ chi phí đi vay đắt đỏ hơn và giá cả vẫn quanh mức cao.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tỏ ra “khỏe mạnh” với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử. Điều này thúc đẩy hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ có thể đạt được một kịch bản "hạ cánh mềm," trong đó lạm phát giảm bớt mà không gây ra một cuộc suy thoái lớn.

Bên cạnh đó, dù PCE giảm là tin vui đối với các nhà hoạch định chính sách, nhưng PCE tháng Sáu vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed và cho thấy các quan chức có thể phải hành động nhiều hơn nữa trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.