Chỉ số CPI của Mỹ giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm 0,2% trong tháng Tám, là lần giảm tỷ lệ lạm phát đầu tiên trong hơn một năm qua và việc này sẽ giúp Fed giảm áp lực trong việc tăng lãi suất.
Chỉ số CPI của Mỹ giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Getty images)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,2% trong tháng Tám vừa qua. Đây là lần giảm tỷ lệ lạm phát đầu tiên trong hơn một năm qua và việc này sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm áp lực trong việc tăng lãi suất.

Thông báo ngày 17/9 của Bộ Lao động Mỹ cho biết nguyên nhân lần giảm này là do giá các hàng hóa năng lượng tiếp tục rớt 2,6%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2013.

Xăng là mặt hàng giảm mạnh nhất, tới 4,1%, trong khi điện là loại năng lượng chính duy nhất tăng giá nhưng cũng chỉ tăng 0,1% trong tháng Tám.

Không kể giá các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ thay đổi, CPI các mặt hàng chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ổn định trong tháng vừa qua.

Theo tính toán, chỉ số lạm phát của Mỹ trong tháng Tám tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn so với mức tăng 1,9% của tháng Bảy.

Các số liệu này là các bằng chứng cho thấy lạm phát đã được kiểm soát, theo mục tiêu giữ lạm phát ở mức 2% của Fed.

Báo cáo trên được công bố chỉ vài giờ trước khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày với kế hoạch đưa ra các chính sách tài chính trong thời gian tới.

Liên quan đến gói cứu trợ QE-3, Fed quyết định sẽ cắt giảm thêm 10 tỷ USD, theo đó mỗi tháng sẽ chỉ tung vào thị trường 15 tỷ USD thay vì 80 tỷ USD như khi mới đưa vào thực thi cuối năm 2013 để mua lại các trái phiếu liên quan tới thế chấp nhằm giữ cho tỷ lệ lãi suất ở mức thấp.

Lý do Fed đưa ra quyết định trên là nền kinh tế lớn nhất thế giới cần tiếp tục có những hỗ trợ dù đang trên đà phục hồi.

Với mức cắt giảm trên đây, có thể từ tháng tới Fed sẽ chấm dứt hoàn toàn gói cứu trợ QE-3. Kể từ khi QE-3 được áp dụng tháng 12/2008 tới nay, Fed đã tung vào thị trường tổng cộng 4.400 tỷ USD nhằm ổn định thị trường tài chính sau những tác động lớn của cuộc suy thoái 2007-2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.