Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng năm 2023 của Hà Nội tăng gần 1%

Trong 7 tháng, có 8/11 nhóm hàng CPI tăng trong khi 3/11 nhóm hàng giảm so với bình quân cùng kỳ gồm giáo dục giảm 4,66%; giao thông giảm 4,2%; bưu chính viễn thông giảm 0,4%.
Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng năm 2023 của Hà Nội tăng gần 1% ảnh 1Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Cục Thống kê Hà Nội cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 của Thủ đô tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 0,51% so với tháng 12/2022 và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,99% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng, có 8/11 nhóm hàng CPI tăng gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,8%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,47%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,24%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,68%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,19%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,46%.

[CPI tháng Bảy tăng 0,45% chủ yếu do giá thực phẩm và điện lên cao]

Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 7 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ: giáo dục giảm 4,66%; giao thông giảm 4,2%; bưu chính viễn thông giảm 0,4%.

Bên cạnh đó, chỉ số giá vàng tháng 7 giảm 0,25% so với tháng trước, tăng 5,55% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,97% so với tháng 12/2022.

Bình quân 7 tháng năm 2023, chỉ số giá vàng tăng 1,8% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá USD tháng 7 tăng 0,52% so với tháng trước, giảm 1,84% so với tháng 12/2022 và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 7 tháng, chỉ số giá USD tăng 2,67% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Nhờ du lịch tiếp tục phát triển, nên đã kích cầu tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ.

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng 7 ước đạt 388.000 lượt người, tăng 4% so với tháng trước và tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,609 triệu lượt người, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước.

Do du lịch tăng cao nên hoạt động của cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác cũng phát triển tốt.

Tính đến cuối tháng 7, trên địa bàn thành phố có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.200 phòng; trong đó có 603 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.600 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.

Trong tháng 7, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 60,8%, giảm 5,1% so với công suất sử dụng phòng tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 7 tháng, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 57,3%, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng năm 2022 đạt 31,7%, tăng 7,8%).

Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút lượng lớn du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là liên kết trong phát triển du lịch, sản phẩm làng nghề, OCOP, nông nghiệp sạch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.