Cục Thống kê Hà Nội cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tháng 2/2021 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 lại giảm 0,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Tháng 2 có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước; trong đó, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 6,02% góp phần đẩy CPI chung tăng 1,22%.
Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt dịp Tết tăng cao và tháng này không còn được hỗ trợ giảm giá bán lẻ điện sinh hoạt theo Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện khiến giá điện bình quân tăng mạnh 27,94% so với tháng trước đó.
Cùng đó, giá gas trong nước tiếp tục tăng và là tháng thứ 8 liên tiếp giá gas điều chỉnh tăng (chỉ số giá gas tăng 10,51%); giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,93% và giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 1,05% do nhu cầu sửa chữa nhà cuối năm tăng lên.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,44%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp Tết Nguyên đán, lương thực tăng 1,22%, thực phẩm tăng 1,95%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%.
[CPI tháng Hai tăng 1,52% và đạt mức cao nhất trong 8 năm qua]
Nhóm giao thông tăng 1,24% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 25/2/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 3,26%, dầu diesel tăng 4,1%; đồng thời do nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và giá bảo dưỡng phương tiện tăng lần lượt 8,39% và 6,64%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,77%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,01%.
Chỉ số giá vàng tháng 2 giảm 0,56% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 23,82% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 25,92% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Cùng đó, chỉ số giá USD tháng 2 giảm 0,27% so với tháng trước, giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, chỉ số giá USD giảm 0,46%.
Trong những tháng đầu năm, khách du lịch đến Thủ đô đạt thấp do một số địa phương, trong đó có Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở cấp độ cao, nhất là sau khi xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng cuối tháng 1.
Những ngày Tết Nguyên đán, Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách, bằng 50% lượng khách dịp Tết năm 2020. Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân, thành phố đã chỉ đạo đóng cửa tất cả các điểm du lịch không thực hiện đón khách tham quan.
Khách quốc tế đến Hà Nội do cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 2 ước đạt 11.400.000 lượt khách, giảm 47,4% so với tháng trước và giảm 95,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 33.100.000 lượt khách, giảm 94,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 11.900.000 lượt khách, giảm 87,7%; Trung Quốc 3.700.000 lượt khách, giảm 92%; Nhật Bản 4.800.000 lượt khách, giảm 88,5%; Mỹ 1.900.000 lượt khách, giảm 95,4%.
Khách quốc tế đến Hà Nội chủ yếu vẫn là các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và công dân Việt Nam về nước.
Khách trong nước đến Hà Nội do cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 2 ước đạt 34.400.000 lượt khách, giảm 6,8% so với tháng trước và giảm 93,8% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, khách trong nước đến Hà Nội đạt 71.300.000 lượt khách, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước./.