Chỉ số giá tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tháng 1 tăng 0,25%

So với tháng trước, có 3/11 nhóm giảm nhẹ; trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13%; nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ giảm 0,07%.
Chỉ số giá tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tháng 1 tăng 0,25% ảnh 1Người dân Thành phố Hồ Chí Minh mua sắm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Thông tin từ Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 năm 2022 của thành phố tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 1,42% so với cùng kỳ.

So với tháng trước, có 3/11 nhóm giảm nhẹ; trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13%; nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ giảm 0,07%. Các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông với 1,27%.

Theo Cục Thống kê thành phố, trong tháng 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra, phát huy hiệu quả của chương trình bình ổn giá, đảm bảo được nguồn hàng cung cấp cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Về diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành, Cục Thống kê thành phố cho biết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá giảm 0,15%; trong đó nhóm lương thực giảm 0,03%, giá của nhiều mặt hàng giảm như ngô, khoai, sắn, bún, bánh phở. Tương tự, nhóm thực phẩm giảm 0,48%; trong đó, thịt gia súc giảm 0,15%, thịt gia cầm giảm 0,40% và thịt chế biến giảm 0,15%.

[Toàn cảnh kinh tế Việt Nam trong tháng 1 năm 2022]

Trong tháng 1/2022, mặc dù giá thịt lợn tăng trở lại do gần Tết nhưng nhìn chung vẫn giảm so với tháng trước, do nguồn cung vẫn lớn trong khi nhu cầu chưa cao. Rau tươi, khô và chế biến giảm 3,13% do lượng hàng cung ứng thị trường phục vụ cho dịp Tết năm nay khá dồi dào.

Cùng đó, việc xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, kèm theo giá cả nhiều nông sản cũng giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, trứng các loại tăng 1,03%, dầu mỡ tăng 0,64%, thủy sản tươi sống tăng 0,42%, thủy sản chế biến tăng 0,68%, đường mật tăng 0,77% do một số nhà cung cấp điều chỉnh giá bán cho năm mới và nhu cầu thị trường tăng mạnh do tháng 1 là tháng giáp Tết.

Đối với nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có chỉ số tăng 0,2% do nhu cầu mua sắm quần áo Tết của người dân tăng lên.

Cùng đó, các nhà cung cấp điều chỉnh giá bán cho sản phẩm mới phục vụ thị trường Tết. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng cũng tăng 0,61% so với tháng trước, chủ yếu tập trung ở giá nhà ở thuê tăng 1,06%, nước sinh hoạt tăng 1,82%, giá dầu hỏa tăng 2,92%.

Chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt giảm 1,83%; trong đó, giá gas điều chỉnh giảm từ 8.000 đến 10.000 đồng/bình. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13% so với tháng trước, chủ yếu do các chương trình khuyến mãi Tết và việc điều chỉnh giá bán của một số các mặt hàng của nhà cung cấp.

Đặc biệt, trong tháng 1, nhóm giao thông tăng 1,27% so với tháng trước, chủ yếu do nhóm nhiên liệu tăng 2,41%, dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,49%.

Nguyên nhân do việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng vào ngày 11/1/2022 và ngày 21/1/2022; giá tàu cánh ngầm tăng giá vào dịp cuối tuần và giá vé đường sắt, đường hàng không tăng lên do nhu cầu vào dịp Tết.

Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,77% so với tháng trước, chủ yếu do giá các vật phẩm, dịch vụ phục vụ cá nhân, hiếu hỉ đều tăng trong tháng giáp Tết Nguyên đán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.