Chỉ số lạm phát của Thái Lan tăng chậm nhất trong 15 tháng qua

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của Thái Lan trong tháng 3/2023 tăng 2,83% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm nhất trong 15 tháng qua do giá năng lượng và lương thực giảm.
Chỉ số lạm phát của Thái Lan tăng chậm nhất trong 15 tháng qua ảnh 1Đường phố tại Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/4,  Bộ Thương mại Thái Lan cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của nước này trong tháng 3/2023 tăng 2,83% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm nhất trong 15 tháng qua do giá năng lượng và lương thực giảm.

Mức tăng này thấp hơn so với mức dự báo 3,30% được đưa ra trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters trước đó.

Trong khi đó, chỉ số CPI cơ bản trong tháng 3/2023 tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn mức tăng dự báo là 1,82%.

[Xuất khẩu của Thái Lan dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm 2023]

Lần đầu tiên trong 15 tháng qua chỉ số lạm phát nằm trong phạm vi mục tiêu mà Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đề ra là từ 1-3%.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Phó Tổng giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Wichanun Niwatjinda cho biết Bộ Thương mại dự báo lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong quý 2, nhờ giá dầu thấp hơn, cùng với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.

Bộ Thương mại hiện dự đoán lạm phát trong cả năm 2023 có thể dao động trong mức từ 1,7-2,7%, giảm so với dự báo trước đó là từ 2-3%.

Trong một nỗ lực kiềm chế lạm phát, hôm 29/3, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) đã nhất trí tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm từ mức 1,50% lên 1,75%.

Ủy ban này cho rằng lạm phát toàn phần có thể sẽ quay trở lại phạm vi mục tiêu vào giữa năm, nhưng lạm phát cơ bản vẫn có thể tăng cao do áp lực từ việc chi phí cao hơn.

MPC cũng đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong năm nay và năm 2024 lần lượt là 3,6 và 3,8% với động lực chính là sự phục hồi trên diện rộng của ngành du lịch, điều này sẽ thúc đẩy việc làm và thu nhập của người lao động, từ đó duy trì tiêu dùng tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.