Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo đà để Hải Phòng bứt tốc

Lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2 về PCI, Hải Phòng đang quyết tâm rất cao tạo chuyển biến toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo đà để Hải Phòng bứt tốc ảnh 1Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư dự án khu phi thuế quan-logistics và công nghiệp Lạch Huyện. (Ảnh: TTXVN)

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, thành phố Hải Phòng đã bứt phá 5 bậc, lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố với 70,61 điểm, tăng 1,34 điểm so với năm 2020 và nằm trong Top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam.

"Quả ngọt" này thể hiện sinh động sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong tìm hướng đi khác biệt và riêng có của thành phố này.

Chuyển động từ cơ sở

Thành phố Hải Phòng luôn chú trọng bố trí nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, giúp hoạt động của cơ quan Nhà nước ngày càng công khai, minh bạch, đặc biệt trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Điểm nhấn là Quyết định số 903/QĐ-Ủy ban Nhân dân ban hành ngày 28/3/2022 về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính năm 2021 của các địa phương, đơn vị.

Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng Nguyễn Thị Thu cho biết năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện việc xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính theo hai nhóm, nhóm quận và nhóm huyện để có thể đánh giá tương quan giữa các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội tương đồng.

Điểm trung bình giá trị cải cách hành chính cả khối quận, huyện là 86,91, tăng 2,21 điểm so với năm 2020. Về khối quận, ba vị trí đứng đầu thuộc về Ủy ban Nhân dân quận Dương Kinh (thứ nhất), Ủy ban Nhân dân quận Ngô Quyền (thứ nhì), đồng hạng ba là Ủy ban Nhân dân quận Hồng Bàng và Ủy ban Nhân dân quận Hải An.

Năm 2021 thể hiện sự tiến bộ vượt trội của khối huyện so với khối quận. Điểm trung bình của khối huyện thấp hơn so với khối quận, nhưng điểm tốp đầu của khối huyện cao hơn điểm tốp đầu của khối quận, ba đơn vị có giá trị cải cách hành chính lớn hơn 90% là Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, Ủy ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên và Ủy ban Nhân dân huyện Kiến Thụy.

[Hải Phòng tạo điều kiện tối ưu để các dự án FDI phát triển bền vững]

Ông Nguyễn Duy Khánh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc Tre, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng chia sẻ nếu như trước đây phải chờ mất nửa ngày, thậm chí cả ngày, các bộ phận chức năng mới giải quyết xong thủ tục, hồ sơ giấy tờ thì nay Bộ phận một cửa của quận giải quyết thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp rất nhanh gọn, hiệu quả. Cũng như nhiều người dân, các doanh nghiệp đều rất hài lòng về cách làm khoa học, minh bạch của chính quyền.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu, nhìn chung điểm Chỉ số cải cách hành chính trung bình năm 2021 của các cơ quan, đơn vị tăng so với năm 2020 do đã có sự quan tâm hơn đến cải cách hành chính, đặc biệt là việc khắc phục những tồn tại, hạn chế. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính cũng được sử dụng để đánh giá, phân loại người đứng đầu và việc thực hiện cải cách hành chính cũng giúp cho sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của người đứng đầu các đơn vị, địa phương sát sao và quyết liệt hơn.

Kết quả đánh giá Chỉ số cải cách hành chính cũng chỉ ra vai trò quan trọng của người đứng đầu trong cải cách hành chính. Đó là ở đơn vị nào người đứng đầu quyết tâm, sát sao chỉ đạo cải cách hành chính thì ở đơn vị đó có sự tiến bộ trong thực hiện cải cách hành chính.

Trong quá trình triển khai, một số đơn vị đã tăng cường khảo sát thực tế, đưa ra các giải pháp, sáng kiến hữu hiệu để áp dụng tại cơ quan, đơn vị mình. Năm 2021 cũng ghi nhận nhiều sáng kiến cải cách hành chính ở cấp thành phố hơn so với năm 2020.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng trong năm 2022 tiếp tục có những yêu cầu mới trong thực hiện cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với từng lĩnh vực cải cách hành chính Theo đó, mỗi lĩnh vực, tiêu chí phải có lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp, đảm bảo việc theo dõi, đánh giá được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Thông thoáng môi trường kinh doanh

Nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2022 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 tại thành phố Hải Phòng.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo đà để Hải Phòng bứt tốc ảnh 2Một góc Cảng Nam Hải Đình Vũ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hải Phòng kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực, tập trung nghiên cứu giải pháp cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, dự án xanh; gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số.

Đến thời điểm này, Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi qua mạng chiếm tỷ lệ 100% số hồ sơ; doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,64%; hồ sơ hoàn thuế điện tử đạt 100% doanh nghiệp phát sinh hoàn thuế thuộc trường hợp đầu tư và xuất khẩu; 100% doanh nghiệp đang hoạt động kê khai thuế điện tử; doanh nghiệp kê khai thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế qua giao dịch điện tử đạt trên 98%.

Ngoài ra, nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp thành phố đã được thực hiện, các hoạt động này đã và đang góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hải Phòng, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đã thực hiện rất hiệu quả việc thu hút đầu tư, quản lý các nhà đầu tư và đề xuất, thực hiện định hướng phát triển cho các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Hải Phòng khuyến khích và có các biện pháp hỗ trợ các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái hoặc xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng, nâng cao tính cạnh tranh của khu công nghiệp trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết Hải Phòng có 12 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng; trong đó, có 8 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến sẽ triển khai xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200ha. Đây là nguồn mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố Hải Phòng.

Tại Hải Phòng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến ngày 21/4/2022 đạt trên 640 triệu đô la Mỹ (USD). Trong năm 2022, Hải Phòng phấn đấu thu hút vốn FDI đạt từ 2,5 đến 3 tỷ USD.

Các khu kinh tế, khu công nghiệp của Hải Phòng đã thu hút được một số dự án của các tập đoàn kinh tế lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...

Cùng với cải thiện môi trường kinh doanh, năm 2022 Hải Phòng đang quyết tâm rất cao tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là nâng cao thứ hạng cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng mô hình thành phố thông minh.

Hải Phòng hướng tới trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của Vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế biển; trung tâm du lịch quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.