Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng Hai đã giảm so với tháng Một cũng như cùng kỳ năm trước, do số ngày làm việc của tháng ít hơn 8 ngày cộng thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại một số địa phương.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Hai ước tính giảm 21,1% so với tháng trước và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, ngành khai khoáng tương ứng giảm 18,5% và giảm 23%; ngành chế biến-chế tạo tương ứng giảm 23,1% và giảm 5,8%...
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung hai tháng đầu năm vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành chế biến-chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%), đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm…
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động sản xuất diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Theo đó, chuỗi chăn nuôi có sự phát triển tốt, cung ứng đủ sản phẩm chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, tổng đàn lợn tiếp tục đà hồi phục.
Theo báo cáo, tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước gieo cấy được 2,6 triệu ha lúa Đông Xuân, bằng 95,9% cùng kỳ năm trước; trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 0,7 triệu ha, bằng 88,2% và các địa phương phía Nam gieo cấy 1,9 triệu ha, bằng 99,1%. Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1,5 triệu ha và bằng 98%.
Trong tháng, hoạt động chăn nuôi nhìn chung ổn định, ước tính tổng số bò cả nước tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước, tổng số trâu giảm 2,7%, tổng số lợn tăng 15,5% và đàn gia cầm tăng 6,5%.
“Tính đến ngày 20/02, cả nước không còn dịch tai xanh, dịch cúm gia cầm còn ở 12 địa phương, dịch lở mồm long móng còn ở 7 địa phương và dịch tả lợn châu Phi còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày,” báo cáo cho biết./.