Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 tiếp tục tăng

Năm 2019 tiếp tục ghi nhận cải thiện điểm số về Chỉ số Tiếp cận điện năng tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm).
Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 tiếp tục tăng ảnh 1Công nhân Công ty Điện lực Hòa Bình (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) cải tạo lưới điện nông thôn huyện Mai Châu. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Năm 2019 tiếp tục ghi nhận cải thiện điểm số về Chỉ số Tiếp cận điện năng tăng năm thứ 6 liên tiếp của Việt Nam với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm).

Đây là kết quả đánh giá về chỉ số tiếp cận điện năng này được đưa ra trong báo cáo Doing Business 2020 của nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB).

Báo cáo đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2019 của 190 quốc gia/nền kinh tế trên thế giới.

Chỉ số Tiếp cận điện năng được Doing Business đánh giá theo các tiêu chí thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện.

Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Asean, nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế.

[EVN đã cấp điện đến 100% số xã, hoàn thành tiêu chí điện nông thôn]

Để tiếp tục duy trì việc tăng điểm số Chỉ số Tiếp cận điện năng, tiếp tục tích cực cải thiện dịch vụ khách hàng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ điện năng cấp độ 4.

Về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN. Nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đang ở nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP.

Để tiếp tục duy trì thứ hạng hiện có và có điểm số tiếp tục tăng trong thời gian vừa qua, EVN đã liên tục quyết liệt triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số trong dịch vụ khách hàng, như 100% các dịch vụ cung cấp điện năng của EVN đều được thực hiện trực tuyến tương đương với dịch vụ công cấp độ 4, giờ đây mọi thủ tục từ đăng ký dịch vụ đến ký kết hợp đồng và thanh toán khách hàng đều có thể thực hiện trực tuyến 100%.

EVN không những đa dạng các kênh thông tin hướng tới sự công khai, minh bạch hơn nữa về các quy định, thủ tục của ngành điện như thông qua các website chăm sóc khách hàng, giải đáp trực tiếp qua đường dây nóng 24/24 giờ của các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN trên toàn quốc; các ứng dụng di động (App) chăm sóc khách hàng.

Năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành việc cải tiến thêm một bước nữa trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng với việc triển khai cung cấp 100% các dịch vụ điện theo phương thức điện tử.

Theo phương thức mới này, từ dịch vụ cấp điện mới đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện như nâng công suất, thay đổi định mức số hộ, thay đổi mục đích sử dụng điện, treo tháo công tơ điện định kỳ... đều được triển khai cung cấp đến khách hàng sử dụng điện.

EVN đã khẩn trương triển khai xây dựng quy trình cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử và nâng cấp các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng việc triển khai cung cấp dịch vụ đến các khách hàng.

Cũng trong năm 2019, ngoài việc triển khai giao dịch qua phương thức điện tử, EVN sẽ hoàn thiện việc thực hiện kết nối 3 dịch vụ cung cấp điện gồm đăng ký và cấp mới khách hàng trung áp, đăng ký và cấp mới khách hàng hạ áp và thanh toán tiền điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 tiếp tục tăng ảnh 2Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Trị (Tổng Công ty Điện lực miền Trung) thu thập, cập nhật dữ liệu thông tin khách hàng dùng điện trên địa bàn thành phố Đông Hà. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Từ tháng 9/2019, EVN bắt đầu triển khai thử nghiệm dịch vụ này và sẽ chính thức cung cấp dịch vụ trên phạm vi cả nước trong tháng 11/2019. Bên cạnh đó, EVN cũng đã kết nối để đưa dịch vụ điện lên các website cung cấp dịch vụ công trực tuyến/Trung tâm hành chính công ở tất cả các tỉnh/thành phố.

Việc EVN triển khai đa dạng và đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá trong chăm sóc khách hàng đã giúp đưa các dịch vụ điện đến gần thêm với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, giúp rút ngắn thời gian, đơn giản hóa các hồ sơ thủ tục và đẩy mạnh việc công khai, minh bạch các dịch vụ của ngành điện đến với khách hàng.

Hiện EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí điện nông thôn. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về điện.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, EVN và các đơn vị thành viên đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn. 

Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVN cũng đẩy mạnh tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức địa phương không đủ năng lực quản lý.

Đến cuối năm 2018, EVN đã tiếp nhận tổng số gần 6.000 xã, quản lý bán điện trực tiếp tới hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng, qua đó giúp các hộ dân được sử dụng điện đảm bảo chất lượng, an toàn và ổn định.

Trong giai đoạn tới, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện mục tiêu Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013 - 2020”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.