Chí sỹ Phan Bội Châu-bác sỹ Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt-Nhật

Hội thảo khoa học quốc tế "Chí sỹ Phan Bội Châu-bác sỹ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản" được tổ chức 150 năm ngày sinh của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.
Chí sỹ Phan Bội Châu-bác sỹ Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt-Nhật ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Ngày 15/12, tại thành phố Vinh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Chí sỹ Phan Bội Châu-bác sỹ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản."

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng đây là sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa, một trong các hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt Khu tưởng niệm Phan Bội Châu. Đây cũng là hoạt động thiết thực, thể hiện sự tri ân đối với một con người vĩ đại mà sự nghiệp, cống hiến của ông đã trở thành một phần quý báu trong lịch sử dân tộc Việt Nam và mảnh đất quê hương Nghệ An giàu truyền thống yêu nước cách mạng.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các đại biểu phân tích, đánh giá sâu sắc để có những phát hiện mới về mối quan hệ đặc biệt giữa chí sỹ Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro; xem xét mối quan hệ này trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Đồng thời, các đại biểu dự hội thảo tiếp tục khẳng định làm rõ hơn cuộc đời, hoạt động phong phú, giá trị lịch sử văn hóa, thời đại trong tư tưởng và sự nghiệp cao cả của chí sỹ Phan Bội Châu; phân tích, làm sâu sắc hơn giá trị tình bạn giữa Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro. Từ những nghiên cứu lịch sử đó, tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

[Việt Nam tặng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thành phố Mimasaka]

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trình bày nhiều báo cáo, tham luận quan trọng như: "Phan Bội Châu và ba làn sóng Đông Du trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Nhật Bản;" "Phong trào Đông Du là biểu tượng lịch sử trong quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Việt Nam;" "Chí sỹ Phan Bội Châu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An;" "Những đóng góp to lớn của Phan Bội Châu trong tiếp xúc, giao lưu và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại vào Việt Nam đầu thế kỷ XX;" "Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro từ người cộng sự đến người đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản"...

Các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng đã tập trung nghiên cứu, làm rõ những giá trị tư tưởng và cuộc đời hoạt động yêu nước của chí sỹ Phan Bội Châu; tiếp tục khẳng định những đóng góp có giá trị lịch sử hết sức có ý nghĩa cả về mặt nhận thức và tư tưởng của ông đối với các phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mối quan hệ cộng sự đặc biệt giữa chí sỹ Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro thể hiện sự sinh động của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.

Tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục