Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững

Ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Một giống lúa mới được Viện HATRI giới thiệu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Một giống lúa mới được Viện HATRI giới thiệu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một trong những nội dung chính của Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 2/3.

Cụ thể, theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu hoạch lúa vụ Đông Xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch; kịp thời chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ Hè Thu; chủ trì, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.

Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030."

Chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôc đốc các địa phương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ lúa, gạo; đẩy mạnh tập huấn trang bị kiến thức cho nông dân về thị trường, kinh doanh nông nghiệp, chuyển đổi tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa gạo, nhất là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc thiết bị.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 6/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới; đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

TTXVN_0201anh8.jpg
Vận chuyển gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời tại Tân cảng Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện "Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030" và các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam; nghiên cứu tinh giản đầu mối xuất khẩu gạo, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh nhưng không quá phân tán, hiệu quả kinh doanh, uy tín của gạo Việt Nam.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế; nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch thóc gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các "thương lái" vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý vướng mắc về hoàn thuế VAT theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương tính toán, có phương án mua dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; tổ chức sản xuất lúa, gạo trong từng mùa vụ; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thu mua lúa, gạo trên địa bàn để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp và cung cấp cho các bộ, ngành liên quan phục vụ công tác điều hành sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước; lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức triển khai có hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, thực hiện các giải pháp đa dạng hóa nguồn cung vật tư đầu vào phục vụ sản xuất.

Tổ chức cập nhật, phổ biến thông tin thị trường thường xuyên, định kỳ để người nông dân, doanh nghiệp nhận định đúng tình hình, diễn biến thị trường và đưa ra các quyết định vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường theo dõi, cập nhật, dự báo, cung cấp thông tin, diễn biến tình hình sản xuất và thị trường lúa, gạo trong nước và thế giới tới các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tích cực tham gia thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" và các mô hình chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và dự trữ lưu thông theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; có giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc; chủ động theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, tính toán phương án kinh doanh đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người sản xuất; xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nắm bắt, khai thác thông tin thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại.

Chủ động tham gia Đề án "Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" và các mô hình chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, năm 2023, thị trường lương thực toàn cầu có nhiều biến động bất thường nhưng với sự chỉ đạo điều hành sát sao, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự nỗ lực bền bỉ của người nông dân, sự kiên trì của doanh nghiệp, cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hoá, ngành lúa gạo đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản xuất và xuất khẩu (xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong 16 năm qua), góp phần quan trọng đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng lúa gạo nước ta còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục: Chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào, giá cả chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn ở mức cao, tỷ lệ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo nước ta; chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững; chưa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý một số doanh nghiệp và người nông dân.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số cơ quan liên quan thì tình hình xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023; nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

Ước tính sơ bộ đến hết tháng 01/2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.