Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức tài chính thế giới (IFC) - thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 1/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước phải chủ động tái cơ cấu bản thân, thay đổi phương thức quản trị, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh của chính mình để đứng vững trong thị trường Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: "Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ kề vai sát cánh và lắng nghe ý kiến để cùng tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị chính đáng, hợp pháp, hợp lý mà các doanh nghiệp đề ra và cũng là để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp."
Nhìn lại chặng đường đã qua trong năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, dù cho có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới, song Việt Nam đã đạt được những mục tiêu cơ bản đề ra như kinh tế vĩ mô ổn định tốt; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; hệ thống tài chính được duy trì ổn định; xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc và tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua đạt 6%.
Có được những kết quả tích cực đó là do Chính phủ đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.
Các bộ, ngành cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đột phá như đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, năm 2016, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế đồng thời với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế thế giới, đồng thời, đang đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á Âu… tạo nên sức cộng hưởng để thúc đẩy nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp bước sang một giai đoạn mới.
Cùng với những cơ hội sẽ là không ít khó khăn, thách thức cạnh tranh gay gắt và quyết liệt đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh.
Nhìn vào những điểm tích cực của nền kinh tế là vậy, song theo quan điểm của tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì điểm nghẽn đáng quan ngại nhất chính là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước - khu vực giữ vai trò động lực của nền kinh tế.
Theo ông Lộc, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đủ mạnh; chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ.
Ông Lộc chỉ rõ, công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học.
Đưa nội dung dạy nghề vào trường phổ thông và tạo ra đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chính là chìa khóa để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và sáng tạo ra các chuỗi giá trị mới.
Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.
Qua nhiều lần tiếp xúc và hợp tác với các phòng thương mại công nghiệp của các nước và cộng đồng doanh nghiệp ở các quốc gia như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc… đều nhắm tới một chương trình phối hợp hành động để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề.
Thông điệp mà cộng đồng doanh nghiệp muốn gửi tới các cơ quan Chính phủ là cần có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp. Hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống các trường và các trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế.
Và bằng cấp của Việt Nam không chỉ đạt chuẩn mà còn phải được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây chính là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập, ngay sau yêu cầu hội nhập về thể chế./.