Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 10 vào Nhật Bản, chiếm khoảng 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.
Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản ảnh 1Tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với bà con nông dân và doanh nghiệp sơ chế vải thiều để thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những năm gần đây, ngành nông sản-thực phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung lớn nhất tại thị trường Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung với nhiều mặt hàng được thị trường thế giới quan tâm tiêu thụ như gạo, chè, càphê, hạt điều, đồ ăn liền và một số loại trái cây nhiệt đới.

Điều này đạt được do sự tích cực áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất và chế biến sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thông tin này được ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Hội thảo Nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu thị trường Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Chương trình hỗ trợ Thương mại, Đầu tư Trung tâm ASEAN- Nhật Bản (AJC) tổ chức chiều 29/3 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo ông Lê Hoàng Tài, với dân số gần 126 triệu người và thu nhập bình quân đầu người khoảng 43.000 USD/người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn.

Thế nhưng, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản từ thế giới. Chính vì vậy, hàng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.

Chia sẻ thêm về thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại tại thị trường này cho hay, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn với các sản phẩm nông thuỷ sản-thực phẩm nước ngoài như cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, càphê...

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng này và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Đức Minh, mặc dù theo đuổi chính sách thương mại tự do là cắt giảm thuế quan theo tinh thần của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng Nhật Bản vẫn áp dụng cơ chế phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Ngoài ra, hàng hoá nước ngoài muốn nhập khẩu vào Nhật Bản bắt buộc phải có giấy chứng nhận việc đáp ứng các tiêu chuẩn đã đặt ra.

[Nông sản Việt hướng tới chuẩn hữu cơ, chinh phục thị trường Nhật Bản]

Đơn cử như hàng nông lâm thuỷ sản cần đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS-tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật.

Cùng với đó chi phí ăn ở, đi lại cũng như vận tải hàng hoá, gửi hàng mẫu tại thị trường này tương đối tốn kém. Mặt khác, người tiêu dùng rất quan tâm chất lượng, tiếp đến là giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng của sản phẩm.

Đáng lưu ý, văn hoá đặc thù của người Nhật Bản là khi gặp gỡ đối tác lần đầu tiên cần mang theo danh thiếp, catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu nhằm giới thiệu bản thân và tạo niềm tin cho đối tác.

Hơn nữa, hầu hết nhân viên của các công ty tại Nhật Bản không làm việc vào cuối tuần và ngày nghỉ, công việc cũng thường liên lạc qua email hoặc điện thoại công ty chứ không phải bằng điện thoại di động.

Chính vì vậy, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu khi trao đổi với Thương vụ hoặc đối tác cần có sự chuẩn bị chu đáo về hồ sơ công ty, catalogue... để tạo sự tin cậy với đối tác.

Đặc biệt, Thương vụ thường đăng tải thông tin về hội chợ, triển lãm tại website vietnamexport.com hoặc các trang mạng xã hội, website riêng của Thương vụ.

Trong trường hợp do dịch COVID-19 doanh nghiệp không sản trực tiếp tại Nhật có thể gửi hàng mẫu để trưng bày tại phòng mẫu của Thương vụ nhằm giới thiệu tới đối tác Nhật Bản khi họ tới làm việc, hoặc trưng bày tại các triển lãm lớn vẫn được tổ chức tại Nhật với đầu mối là Thương vụ.

Nhận định về thực trạng và nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 10 vào Nhật Bản, chiếm khoảng 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.

Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản ảnh 2Nông dân Hải Dương thu hoạch cà rốt để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Malaysia và các nước Trung Đông, tháng 1/2022. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết 4 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này.

Để nông sản Việt Nam tiếp cận tốt hơn tại thị trường Nhật Bản, theo ông Trần Quốc Toản, các cơ quan chức năng phía Nhật Bản cần tiếp tục hỗ trợ thông tin về diễn biến thị trường cũng như thay đổi về chính sách, yêu cầu với hàng hóa nhập khẩu tới Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và cơ quan chức năng để kịp thời thông tin tới doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phía Nhật Bản hỗ trợ và phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp theo hình thức phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.

Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu diễn biến thị trường, nhu cầu nhập khẩu cũng như ưu đãi từ các FTA để doanh nghiệp tận dụng ưu đãi khi xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Trần Quốc Toản cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo nguồn cung, chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về ổn định nguồn cung, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường Nhật Bản.

Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động thông tin và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp do Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhằm mở rộng kinh doanh nông sản nói riêng và mặt hàng Việt Nam có tiềm năng nói chung tại Nhật Bản.

Cùng với đó, cần cập nhật thông tin phân tích, dự báo như chủng loại được ưa chuộng, yêu cầu chất lượng từng mặt hàng, mức giá phù hợp... cũng như văn hoá người dân bản địa để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.