Những cánh đào đã nở, khắp trên phố phường rực rỡ đèn hoa là lúc những người thân về bên nhau dịp Tết. Ai ai cũng tất bật chuẩn bị cho những ngày Tết để được ngồi bên mâm cơn rộn rã tiếng người, để chúc nhau một năm mới hạnh phúc. Thế nhưng, có những con người phải đón Tết xa gia đình, họ thèm cảm giác được sắp xếp đồ về nhà, được ai đó chờ đón họ trở về.
Tết đã về rồi, Tết của đoàn viên bên người ruột thịt, Tết của những ấm áp tình người khi họ biết sẻ chia đắng cay, ngọt bùi với nhau. Dù cuộc đời có thế nào thì Tết đã về, một năm mới nữa cũng đã đến, hãy dành cho những người bên cạnh ta thật nhiều yêu thương.
Bài 1: Tết đoàn viên của những "mảnh đời khuyết"
Lũ trẻ cứ mong ngóng từng ngày để được về Tết, hồ hởi, sốt sắng chuẩn bị quần áo, quà về quê cho từng người trong nhà. Chúng bảo cả năm chỉ được về với gia đình dịp Tết này thôi nên phải có quà cho từng người, những món quà handmade là vòng tay, cành hoa... được nâng niu.
Những đứa trẻ còn lại không tránh được cảm giác ghen tỵ, chỉ ước được hòa vào không khí ấy, để cảm nhận một phần của Tết đoàn viên. Những đứa trẻ ấy chỉ muốn nói với những đứa trẻ còn lại được trở về rằng chúng là những người hạnh phúc.
Cảm xúc hạnh phúc, hồi hộp và tủi hờn đan xen và trái ngược nhau luôn xuất hiện mỗi khi Tết về tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An (huyện Ba Vì, Hà Nội). Những “mảnh đời khuyết” nương tựa vào nhau để sống thật trọn vẹn trong những ngày Tết.
Ngày trở về
Những đứa trẻ khuyết tật được nuôi dưỡng ở trung tâm Thuỵ An đều đến từ những gia đình thuộc diện chính sách như gia đình người có công với Cách mạng hay những hộ nghèo ở Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Những trẻ khuyết tật nhưng vẫn có thể đi lại được nếu gia đình đồng ý đón về Tết thì sẽ được về nhà một lần duy nhất trong năm vào dịp này. Những đứa trẻ nặng hơn, không thể tự đi lại, gia đình quá nghèo không thể đón về sẽ ở lại trung tâm ăn Tết.
Để chuẩn bị cho các em học sinh khuyết tật về Tết, các cô giáo dạy lớp học làm sản phẩm handmade ở Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Thuỵ An phải tích góp “thành quả” của cả lớp trong một năm. Chặng đường về nhà xa và khó khăn hơn với những người khuyết tật như các em nhưng kết quả của một năm cố gắng khiến đường về nhà trở nên vui vẻ hơn.
Cô Đào Thị Minh Thư, giáo viên lớp học làm sản phẩm handmade tâm sự, lớp học của cô bắt đầu bán được sản phẩm do các em làm ra, tất cả tiền lãi một phần giữ lại làm chi phí để các em liên hoan, còn lại chia cho các em để hỗ trợ kinh phí đi lại, về quê ăn Tết cho các em.
“Năm nay có siêu thị đã nhận bày bán sản phẩm handmade nên lớp học bán được nhiều hơn, chỉ hy vọng các em có được chút tiền hỗ trợ đi lại vì các em đa số đến từ những vùng quê nghèo, đi lại nhiều chặng tốn kém và vất vả, gia đình cũng nghèo nên không đến đón được các em,” cô Thư nói.
Với ánh mắt lấp lánh niềm vui, em Hoàng Thị Trang, quê ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng háo hức kể dù bị khuyết tật vận động ở chân, em đi lại khập khiễng, bước từng bước chậm chạm khó khăn nhưng năm nào Trang cũng náo nức về quê ăn Tết.
Chặng đường về quê gần 400km cũng khá gian nan, thầy cô ở trung tâm sẽ đưa em đến bến xe để em về Cao Bằng, rồi từ bến xe thành phố em lại tự bắt xe về huyện, ở đó người nhà sẽ ra đón. Đã ở trung tâm nhiều năm nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, chưa bao giờ gia đình biết đến nơi em ở và sinh hoạt, tất cả chỉ qua lời kể, những món quà em mang về quê dịp Tết.
Tết ở vùng quê nghèo có thể bữa cơm chả có nhiều món ngon, chẳng có nhiều bánh kẹo... như ở trung tâm, nhưng đó là cái Tết ở nhà, cái Tết được ông bà, bố mẹ ôm vào lòng sau cả một năm xa cách, để những tủi hờn tan biến như chưa từng có.
Em Trang bảo, quê em còn nghèo nên tiền tích góp từ việc bán được các sản phẩm handmade em làm được trong thời gian học ở trung tâm sẽ mang hếtvề quê vì em ở trung tâm được nuôi ăn, ở, học nên cũng không phải tiêu tiền vào việc gì: “Quà Tết chả có gì, em tự tay làm vòng tay tặng mẹ, cành đào cho cả nhà... nếu có chút tiền thì em sẽ mua bánh kẹo về Tết, còn lại để cho bố mẹ.”
Có đoàn viên mới có Tết?
Không được về quê ăn Tết như các bạn nhưng những đứa trẻ ở lại không trách gia đình, vì hơn ai hết, các em hiểu và thông cảm cho lý do chính đáng của bố mẹ.
Một em bé gái nói rằng bố mẹ không đón em về ăn Tết nhưng em không buồn, vì em hiểu rằng gia đình quá nghèo khó, việc đưa đón em từ Hà Nội về vượt quá khả năng của gia đình. Tuy từng câu nói rất cứng cỏi, mạnh mẽ nhưng trong ánh mắt xa xăm của em như thả vào lòng những người xung quanh một nỗi xót xa.
Chang A Vổng (quê ở Yên Bái) có cả bố và mẹ đều mất trong một vụ sạt lở đất, hai anh em đều được đưa về trung tâm sau tai nạn đó nhưng đứa em gái của Vổng đã có gia đình nhận nuôi. Nhắc đến Tết, Vổng chỉ nhìn xa xăm với đôi mắt buồn rười rượi.
Bố mẹ mất, chỉ còn hai anh em bơ vơ nên thương nhau lắm. Trước khi chia tay em gái, Vổng lén giữ lại chiếc áo của em để đỡ nhớ. Suốt một thời gian dài, cứ nhìn thấy áo của em gái là Vổng lại buồn chui vào một góc trong phòng, có lẽ những giờ phút Tết khi ai cũng về bên người thân, người Vổng nhớ đến nhất là em gái mình. Nỗi buồn thoáng qua trong khoảnh khắc khi thấy ai đó chuẩn bị để về Tết nhưng rồi cũng lại trôi đi theo tiếng cười đùa của những đứa trẻ. Chúng rủ nhau chơi đùa, trêu chọc nhau để quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân.
Bà Lý Thị Thái, quê ở Yên Thế, Bắc Giang gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu thành lập và đã 34 năm đón Tết ở trung tâm. Dù đường kim mũi chỉ đã chậm chạp và không còn trau chuốt như xưa do tuổi cao sức yếu nhưng bằng tất cả những gì bà học được qua năm tháng, bà vẫn cố gắng cần mẫn chỉ cho những đứa trẻ khuyết tật cách thêu. Nhắc đến Tết thì miệng bà cười tươi, mắt bà lấp lánh niềm vui, có lẽ trung tâm từ lâu đã trở thành ngôi nhà thực sự của bà, những đứa trẻ trở thành con, cháu của bà.
Tết ở “mái ấm” Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Thuỵ An không thể không nhắc đến những nhân viên ở đây. Họ có phải chuẩn bị đón Tết cho hai mái ấm là gia đình riêng của họ và những hoàn cảnh đặc biệt tại trung tâm. Cả hai nơi đều có gói bánh chưng, chuẩn bị cành đào, hô hào dọn dẹp nhà cửa, cùng chuẩn bị những mâm cơm tất niên...
Tết năm nào cũng có khoảng 40-50 trẻ em khuyết tật nặng hoặc gia đình xa không có điều kiện về quê ăn Tết ở lại. Cán bộ của trung tâm thay nhau trực Tết, lo Tết để tất cả trẻ em, người già trong trung tâm đều cảm thấy một cái đến đầy đủ. Những người cùng cảnh ngộ ấy, họ hiểu nhau, nương tựa vào nhau, bù đắp cho nhau nhưng chính sự quan tâm, tình cảm của cán bộ trung tâm đã “thắp lửa” cho một cái "Tết ấm”.
Trong những câu chuyện chia xa dịp Tết, có những câu chuyện thật xót xa, không phải chỉ là của những đứa trẻ, đó còn là câu chuyện về người con đã hơn 50 tuổi vẫn khát khao được trở về bên vòng tay mẹ, nhưng mỗi lần Tết đến, Xuân về thì ước mơ ấy lại càng xa hơn./.
Bài 2: Giấc mơ Tết đến được trở về nằm trong vòng tay mẹ