Chiêm ngưỡng tác phẩm phóng tác 'Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn đồ'

Triển lãm "Con đường" giới thiệu gần 100 bức tranh dân gian truyền thống, được "khoác áo mới" bằng chất liệu sơn mài. Nổi bật trong đó là tác phẩm phóng tác “Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn đồ” dài gần 5m.
Khách tham quan chiêm ngưỡng tác phẩm phóng tác từ bức Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn đồ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chiều 7/10, triển lãm nghệ thuật “Con đường” khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội, giới thiệu gần 100 bức tranh sơn mài, sơn khắc độc đáo dựa trên chất liệu tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng.

Đáng chú ý, triển lãm có tác phẩm phóng tác từ bức “Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn đồ” được vẽ từ thế kỷ XIV. Tác phẩm miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về, vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón.

“Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn đồ” được vẽ theo lối trường quyển gồm 2 trường đoạn. Trong tranh có 82 nhân vật, có đủ tăng sỹ, nho sỹ và đạo sỹ thể hiện rõ tư tưởng “tam giáo đồng tôn” thời Trần.

Một đoạn trong tác phẩm phóng tác 'Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn đồ'. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong trường đoạn thứ nhất, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xuống tóc, tay lần tràng hạt, xung quanh là đoàn tùy tùng với người gánh bộ đồ trà, người cầm lọng, người cầm gậy, các nhà sư người Hồ, thiền phái Nam tông. Phía trước Phật hoàng có hạc dẫn đường. Đi cuối đoàn là chú voi trắng được trang hoàng lộng lẫy, cầu kỳ để chở kinh.

Trường đoạn thứ hai là cảnh vua quan triều thần nghênh đón Phật hoàng. Hoàng đế Trần Anh Tông với dáng vóc uy nghi, nét mặt nghiêm trang, trên búi tóc có buộc khăn, mặc áo bào kép 5 thân tay thụng, quần dài, chân đi giày cao cổ. Quân lính vác bảo kiếm hộ vệ, lại có một đại quan vác Thượng phương bảo kiếm đứng hầu. Bách quan mặc áo gấm tía, tay thụng, mũ chữ đinh kiểu lục lăng có tai mũ quấn cong ra sau.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, nghệ sỹ Lương Minh Hòa, tác giả bức "Trúc Lâm đại sỹ xuất sơn đồ" cho biết mỗi tác phẩm trước hết được phác thảo trên máy tính, sau đó anh dùng công cụ khắc lõm từng chi tiết để tạo các nét đen như tranh dân gian truyền thống. Tiếp theo, nghệ sỹ lên màu sơn mài, thếp vàng, thếp bạc,.. mỗi màu là một lớp, sau mỗi lớp là một lần mài. Toàn bộ công đoạn cho một tác phẩm phải lên tới 15-20 bước và mất khoảng 3 tháng mới hoàn thiện.

Nghệ sỹ Lương Minh Hoà trong quá trình sáng tác. (Ảnh: NVCC)

Triển lãm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với nhóm nghệ sỹ Latoa Indochine thực hiện, nhằm phục hồi và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian xưa cũ, tạo nên dòng sản phẩm mỹ thuật ấn tượng. 

['Tranh dân gian Kim Hoàng': Truyền cảm hứng về "dòng tranh đỏ"]

Chia sẻ về triển lãm, ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine cho biết đây là hành trình mà các nghệ sỹ đã ấp ủ từ lâu, một hành trình được xây dựng bởi những con người trân quý nét đẹp văn hoá dân tộc.

“Chúng tôi mong muốn giữ gìn giá trị văn hoá mỹ thuật, giá trị dân tộc trong các tác phẩm tranh dân gian xưa và nâng tranh dân gian lên một tầm cao mới trên chất liệu sơn mài khắc truyền thống. Bởi lẽ, tranh dân gian là di sản văn hoá, lưu giữ và phản ánh sắc thái, phong tục, tập quán mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S,” ông Phạm Ngọc Long nói.

Khách tham quan tại triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho rằng triển lãm là một sự kiện rất ý nghĩa góp phần quan trọng trong việc bảo tồn tranh dân gian Việt Nam.

“Với hình ảnh 'con đường', ban tổ chức triển lãm mong muốn đưa công chúng đi đến tận cùng của truyền thống, để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý nét đẹp vang bóng một thời. Rồi sau đó, chúng ta sẽ cùng nhau gìn giữ, lan toả vẻ đẹp đó trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc,” ông Nguyễn Tiến Đà nói.

Nhà nghiên cứu, họa sỹ Phan Ngọc Khuê đánh giá cao ý tưởng “khoác áo mới” cho các dòng tranh dân gian bằng chất liệu sơn ta bởi sự sáng tạo này không chỉ quảng bá các dòng tranh dân gian mà còn giới thiệu được về kỹ thuật làm tranh sơn mài cổ truyền cho công chúng trong và ngoài nước.

“Các bức tranh sơn mài vẫn giữ nguyên được hồn cốt của tranh dân gian nhưng lại mang những sắc thái mới nhờ kỹ thuật chạm khắc, dát vàng, bạc. Những bức tranh sơn mài có các mảng màu đối lập và bắt sáng làm cho tranh dân gian mang một diện mạo mới sang trọng và có giá trị nghệ thuật hơn. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng và phát triển,” ông Phan Ngọc Khuê nhận xét.

Triển lãm kéo dài đến ngày 31/12 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội./.

Một số hình ảnh trong triển lãm:

Tác phẩm Mèo Thần Tài của nghệ sỹ Lương Minh Hòa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hình ảnh chú mèo hiện đại được kết hợp cùng họa tiết tranh dân gian. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tranh Tứ phủ công đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Chân dung danh nhân Nguyễn Trãi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khách tham quan tìm hiểu về quá trình làm tranh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Một số dụng cụ và chất liệu làm tranh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục