"Chiếm Trung tâm" ảnh hưởng đến kinh tế xã hội Hong Kong

Cho rằng hoạt động "Chiếm Trung tâm" đánh mạnh vào niềm tin nhà đầu tư, Cục trưởng Tài chính Hong Kong (Trung Quốc) tỏ ra không lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế quý 4/2014 của Hong Kong.
"Chiếm Trung tâm" ảnh hưởng đến kinh tế xã hội Hong Kong ảnh 1Cảnh sát Hong Kong được triển khai ngăn chặn người biểu tình phản đối chính quyền tại Admiralty ngày 30/11. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Cho rằng hoạt động "Chiếm Trung tâm" đánh mạnh vào niềm tin nhà đầu tư, Cục trưởng Tài chính Hong Kong (Trung Quốc) Tăng Tuấn Hoa tỏ ra không lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế quý 4/2014 của Hong Kong.

Hoạt động "Chiếm Trung tâm" diễn ra ở Hong Kong bước sang ngày thứ 64 được đánh dấu với việc Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS) và tổ chức “Học dân Tư triều” (Scholarism) phát động bao vây trụ sở chính quyền Hong Kong.

Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát tái bùng phát tại bên ngoài Văn phòng Trưởng Đặc khu. Đặc biệt, tại đường Lung Wo, từ 10 giờ tối 30/11, người biểu tình đã tràn ra tái chiếm, thiết lập chướng ngại vật. Sau đó tại đây, người biểu tình và cảnh sát đã có nhiều lần xung đột, giằng co.

Cuối cùng, vào sáng 1/12, cảnh sát đã giải phóng được đường Lung Wo, đẩy người biểu tình lui về phía tòa nhà Admiralty. Tuy nhiên, xung đột vẫn chưa dừng lại. Số người bị bắt, bị thương tiếp tục tăng lên và người biểu tình đã sử dụng đồ vật để phong tỏa cầu thang cuốn phía ngoài tòa nhà Admiralty, trên đường Harcourt.

Tại cuộc họp báo ngày 1/12, Cục trưởng Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa lo ngại về hoạt động "Chiếm Trung tâm" diễn ra hai tháng qua sẽ đánh mạnh vào niềm tin nhà đầu tư, khiến rủi ro tăng trưởng kinh tế giảm tốc tăng lên. Chính vì thế, ông Tăng Tuấn Hoa cảm thấy không lạc quan về tình hình kinh tế quý 4.

Ở góc độ khác, ông Tăng Tuấn Hoa nhấn mạnh pháp trị là giá trị hạt nhân của Hong Kong, nhưng hoạt động "Chiếm Trung tâm" lại gây ra vết thương khó lành đối với nền pháp trị của Hong Kong.

Ngoài ra, nếu kéo dài, "Chiếm Trung tâm" còn gây tổn hại cho hình ảnh quốc tế của Hong Kong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.