Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2019 do Bộ Lao Động-Thương binh và Xã hội triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua Dự án Khung khổ Quan hệ Lao động mới có sự phối hợp tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp ngành gỗ.
Hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu thống kê số lượng lao động trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu, thì ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản còn thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn và miền núi. Tuy nhiên, tình hình tuân thủ trong ngành chế biến gỗ còn nhiều bất cập.
[Thủ tướng: Xuất khẩu gỗ và lâm sản phải vượt kim ngạch 11 tỷ USD]
Đánh giá kết quả thanh tra từ năm 2016 tới 2018 và khảo sát thực địa nhiều doanh nghiệp gỗ tại Đồng Nai đã ghi nhận nhiều sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật và quy định lao động, chủ yếu về số giờ làm thêm, hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, an toàn và sức khỏe lao động và bảo hiểm xã hội.
Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết, đa số các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trong nước còn sử dụng công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu và lực lượng lao động trình độ lao động giản đơn, làm việc theo mùa vụ dẫn đến tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong ngành này còn nhiều hạn chế.
“Việc vi phạm pháp luật lao động không những ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động mà còn làm giảm năng suất, giảm tính cạnh tranh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ở cả thị trường trong nước và trên thế giới,” ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh chiến dịch cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong xã hội, bao gồm thanh tra lao động, công đoàn, doanh nghiệp, truyền thông...
Bà Andrea Prince, quản lý Dự án Khung khổ Quan hệ Lao động mới của ILO do Chính phủ Mỹ tài trợ, ghi nhận tầm quan trọng của việc Việt Nam dành ưu tiên cải thiện điều kiện lao động tại các ngành công nghiệp xuất khẩu như chế biến gỗ.
Theo bà, việc làm bền vững là điều kiện quan trọng để Việt Nam trở thành nhà cung cấp uy tín trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là sự lựa chọn số một đối với các khách hàng trên một thị trường toàn cầu mang tính cạnh tranh cao.
“Phát huy phương pháp tiếp cận chiến lược của cơ quan thanh tra lao động là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo kết quả tuân thủ pháp luật mà các khách hàng mong muốn cũng như cần thiết đối với người lao động. Những quyền cơ bản trong lao động, như đối thoại, thương lượng, được đối xử bình đẳng đóng vai trò trung tâm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo nền tảng để doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển bền vững,” bà Andrea Prince nhấn mạnh.
Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2019 sẽ bao gồm các nhóm hoạt động khác nhau như thanh tra, đào tạo, tập huấn, truyền thông… nhằm tăng cường nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tuân thủ pháp luật trong ngành chế biến gỗ trên toàn quốc.
Kéo dài đến hết năm, đây là lần thứ 5 chiến dịch Thanh tra Lao động được tổ chức. Chiến dịch là sáng kiến của ILO, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm tập trung thúc đẩy tuân thủ pháp luật trong một ngành mũi nhọn./.
Gỗ và lâm sản là ngành xuất khẩu quan trọng đứng thứ 6 của Việt Nam, với tăng trưởng bình quân 13% trong giai đoạn 2010-2017. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 8 tỷ USD, với 5 thị trường quan trọng nhất là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng đầu ASEAN và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ (chiếm khoảng 6% thị trường gỗ toàn cầu). |