Trong năm 2018, chiến dịch thanh tra lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào lĩnh vực khai thác khoáng. Đây là lĩnh vực "nóng” về số vụ tai nạn lao động chết người với nhiều vụ việc nghiêm trọng như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) làm 18 người chết, sập mỏ đá tại núi Hang Cá (Thanh Hóa) làm 8 người chết, sập lò vôi tại Kinh Môn (Hải Dương) làm 5 người chết tại chỗ…
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi Lễ phát động chiến dịch Thanh tra lao động năm 2018 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 27/4, tại Hà Nội.
Tỷ lệ tai nạn chết người xếp thứ 2
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, trong năm 2017, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và 8,8% tổng số người chết. Đây chỉ mới là những con số “phần nổi của tảng băng chìm” vì khai khác khoáng sản là một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông, không có giao kết hợp động lao động và chưa báo cáo, thống kê đầy đủ các vụ tai nạn lao động.
[Sập mỏ đá trắng tại Quỳ Hợp, ít nhất 3 người thương vong]
Phát biểu tại Lễ Phát động, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: “Tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đứng thứ hai chỉ sau lĩnh vực xây dựng. Đo đó, chủ đề được chọn cho chiến dịch thanh tra năm nay là tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vì an toàn, sức khỏe người lao động,”
Những vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực khai khác khoáng sản như sập mỏ đá, mỏ khai thác đất thường khiến nhiều người lao động thiệt mạng cùng một lúc. Nguyên nhân tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản xuất phát từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động.
Ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó Trưởng phòng Thanh tra An toàn, vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong lĩnh vực khai thác khoáng sản xảy ra sai phạm nhiều về giao kết hợp đồng lao động, thậm chí nhiều nơi không tiến hành ký hợp đồng lao động.
Theo ông Hòa, người lao động làm việc trong lĩnh vực khai khoáng chưa quen với phương thức sản xuất công nghiệp, khả năng nhận thức còn hạn chế. Một số lao động tại vị trí làm việc nguy hiểm như: làm việc trên cao, tiếp xúc với vật liệu nổ, với nguồn điện… nhưng chưa lường hết được nguy cơ tai nạn lao động. Vì vậy đã vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn đến gây tai nạn cho chính mình và những người xung quanh.
Trong khi đó, về phía người sử dụng lao động lại không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động và phổ biến hướng dẫn cho người lao động trước khi tiến hành công việc. Không đảm bảo điều kiện và môi trường làm việc an toàn vệ sinh lao động cho người lao động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn…
Thanh tra ít nhất 500 doanh nghiệp
Chiến dịch thanh tra năm 2018 sẽ diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Tùng cho biết, ít nhất 500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sẽ được thanh tra trong chiến dịch lần này. Các cuộc thanh tra đã được thực hiện ngay từ tháng tháng Một.
“Để các cuộc thanh tra đi vào thực chất, thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có cùng chức năng quản lý chuyên môn như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng ở địa phương. Đến thời điểm hiện tại đã các địa phương đã thanh tra được 200 doanh nghiệp, thanh tra Bộ cũng đã tiến hành thanh tra được hơn 40 doanh nghiệp,” ông Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ.
Mục tiêu của chiến dịch thanh tra là giảm thiểu số vụ tai nạn lao động chết người tại doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng từ mức 19,5% (năm 2017) xuống còn từ 10-15% số vụ nghiêm trọng, từ 18,2% số người chết vì tai nạn lao động (năm 2017) xuống dưới 10%.
Chiến dịch thanh tra lao động năm 2018 tập trung thanh tra trực tiếp tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng nhằm chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, chiến dịch sẽ tập trung vào các hoạt động tuyên truyền kiến thức kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách và công tác an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Ngoài thu nhập thì môi trường làm việc an toàn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Chính vì vậy việc thực hiện các chiến dịch thanh tra lao động và lựa chọn thanh tra việc tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoảng sán làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng năm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối an toàn và sức khỏe người lao động”.
Trước tình hình tai nạn lao động trong cả nước đang diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng đồng thời việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế, các chiến dịch thanh tra lao động đã được đẩy mạnh và đem lại hiệu quả tích cực./.
Chiến dịch thanh tra lao động được thực hiện từ năm 2015 với từng chủ đề theo từng năm. Thanh tra lao động năm 2015 tập trung vào lĩnh vực may mặc, năm 2016 là lĩnh vực xây dựng và năm 2017 là lĩnh vực điện tử. Sau các đợt thanh tra số vụ tai nạn lao động và số người chết trong các lĩnh vực thanh tra đã giảm đi đáng kể.