Chiến sỹ Nhà giàn DK1 vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Chặng đường 25 năm không quá dài nhưng đối với các chiến sỹ Nhà giàn DK1, đó là một khoảng thời gian thật dài để nói lên tất cả sự hy sinh thầm lặng.
Chiến sỹ Nhà giàn DK1 vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió ảnh 1 Chăm sóc vườn rau xanh trên nhà giàn DK1/10. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Với nhiệm vụ nghiên cứu và bảo vệ chủ quyền vùng biển khu vực phía Đông Nam của Tổ quốc, ngày 5/7/1989, Cụm “Dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật” gọi tắt là DK1 được thành lập với các nhà giàn trên thềm lục địa thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Việc thành lập Cụm Dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật tại thềm lục địa phía Nam thể hiện ý chí quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành chiến lược phát triển kinh tế biển phục vụ các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, tạo sự liên hoàn từ đất liền ra quần đảo Trường Sa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này và thực hiện có hiệu quả hơn việc bảo vệ lãnh thổ và vùng biển quốc gia.

25 năm trôi qua, vượt qua bao khó khăn, vất vả, với không ít hy sinh, mất mát, các chiến sỹ Nhà giàn DK1 đã vững vàng vượt qua mọi sóng gió của biển khơi, những âm mưu toan tính của các thế lực, kiên cường bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích chính đáng của Tổ quốc.

Đến nay, các nhà giàn tạo thành một vành đai thép sừng sững giữa Biển Đông, khẳng định chủ quyền quốc gia trên thềm lục địa và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ngày đêm bám biển, phát triển mạnh ngành đánh bắt thủy, hải sản. Và những con người đang ngày đêm bám trụ trên những pháo đài thép sừng sững giữa sóng nước trùng khơi ấy được gọi với ba tiếng giản dị - lính nhà giàn.

Thiếu tá Bùi Xuân Bổng - Chỉ huy trưởng nhà giàn (một trong những người có mặt sớm nhất trên những Nhà giàn DK1) cho biết: “Năm 1990 là lần đầu tiên tôi đặt chân lên nhà giàn và cũng là lần đầu tiên nhận công tác trên biển. Lúc đó, tôi là một cán bộ trẻ thuộc quân chủng phòng không chuyển sang cũng không có nhiều kiến thức gì về biển, được cấp trên giao nhiệm vụ ra Nhà giàn DK1/3 nhưng tuổi trẻ hăng hái khi được giao nhiệm vụ là chúng tôi sẵn sàng lên đường. Những ngày đầu trên biển tôi rất bỡ ngỡ, cảm xúc có nhiều cái lạ và hào hứng. Trong quá trình công tác trên nhà giàn bước đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng vừa làm vừa đút rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần và nhất là được sự giúp đỡ thường xuyên của Đảng ủy, Chỉ huy các cấp, sự hỗ trợ từ đất liền. Thấm thoắt đã 25 năm, đơn vị trưởng thành mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rất nhiều, hầu hết chiến sỹ nhà giàn đến nay càng hăng say công tác. Dù gặp nhiều biến cố do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nhưng anh em cũng đã nhìn lại những tấm gương đi trước nên rất hăng hái trong công tác, cứ có lệnh lại lên đường bất chấp mọi khó khăn, gian khổ vẫn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc.”

Trung úy Trần Văn Dũng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/20 (chiến sỹ đã có thâm niên 3 năm đi biển) tâm sự: “Bản thân là một chính trị viên Nhà giàn DK1/20, tôi luôn nhận thức rõ nhiệm vụ của mình, xác định rõ tư tưởng, ý chí quyết tâm, sẵng sàng nhận nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó. Bên cạnh đó, tôi cũng động viên các đồng chí trên nhà giàn hết sức bình tĩnh, mưu trí, sáng tạo, xử lý các tình huống đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước để Nhà giàn nói chung và tiểu đoàn DK1 nói riêng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”

Là chiến sỹ lần đầu được phân công nhiệm vụ trên biển, thượng úy Đậu Công Tuấn, Chính trị viên Nhà giàn DK1 chia sẻ: “Với cương vị là một sỹ quan trẻ chuẩn bị ra nhà giàn nhận nhiệm vụ tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào được công tác trên Nhà giàn DK1 - một đơn vị có truyền thống anh hùng đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang. Mặc dù biết nhiệm vụ đó cực kỳ khó khăn nhưng bản thân tôi cảm thấy rất tự hào khi được sát cánh cùng các đồng chí, đồng đội công tác tại vùng biển phía Nam Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ canh giữ và quan sát phát hiện mục tiêu bảo vệ thềm lục địa của Tổ quốc.”

Đến nay, đã 25 năm trôi qua, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình để xây dựng, gìn giữ những ngôi nhà giàn trở thành những cột mốc hiên ngang giữa biển khơi. Không ít máu xương của cán bộ, chiến sỹ nhà giàn đã đổ xuống để giữ cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang trên biển, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam.

Thử thách mà những người lính Nhà giàn DK1 thường xuyên phải đối mặt không chỉ là việc phải hứng chịu những cơn cuồng phong của biển khơi mà là phải đối mặt với những tình huống phức tạp, khó lường trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực luôn nhòm ngó vùng biển của đất nước. Để có thể sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, các anh luôn phải khổ luyện để có thể thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu. Các chiến sỹ nhà giàn còn rèn luyện cho mình khả năng xử lý tình huống một cách cương quyết nhưng linh hoạt, thể hiện rõ ý chí giữ vững chủ quyền, cũng như môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Không chỉ là cột mốc tiền tiêu, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa, 25 năm qua, các Nhà giàn DK1 còn thực sự là những ngọn hải đăng trên biển, là chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm làm ăn tại các vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Với bà con ngư dân, sau những ngày dài lênh đênh rong ruổi theo những luồng cá trên biển, ánh sáng từ những ngọn đèn trên nhà giàn chính là nguồn động viên tinh thần to lớn với họ, để họ cảm nhận mình không lẻ loi, cô đơn giữa biển cả mênh mông. Đặc biệt là vào những mùa mưa bão, khi đại dương nổi những cơn phong ba thịnh nộ, giữa khoảng không mù mịt không phân biệt được đâu biển, đâu trời, những ngôi nhà giàn nhỏ bé giữa trùng khơi ấy lại là điểm tựa, là chiếc bè cứu sinh vững vàng cho ngư dân bám trụ. Đã có biết bao tấm gương cán bộ, chiến sỹ nhà giàn dầm mình trong mưa bão cứu tàu, cứu ngư dân, bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, tô đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn “vì nước quên thân, vì dân phục vụ.”

Thiếu tá Bùi Xuân Bổng - Chỉ huy trưởng Nhà giàn thường nhắn nhủ đội ngũ sỹ quan trẻ ra công tác phải nhiệt tình, cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết của mình cho Tổ quốc, cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cán bộ, chiến sỹ trên các nhà giàn còn tạo ra những vườn rau xanh, những chuồng gia cầm ngay giữa bốn bề sóng nước. Hiểu được cuộc sống của đồng đội cũng như khát vọng của chính mình, sau mỗi chuyến nghỉ phép quay lại nhà giàn, món quà mà những người ở đất liền đem ra là những bao đất, những bịch hạt giống được nâng niu như những đặc sản của đất liền. Để mỗi buổi chiều, khi ánh hoàng hôn buông xuống, sau một ngày căng mình với những phiên gác, với hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các anh lại được tự tay mình chăm từng con con gà, tưới cho từng luống rau những ca nước được chắt chiu từ phần nước ít ỏi trong sinh hoạt hàng ngày. Khi nhìn những luống rau xanh mướt reo vui đón những ánh nắng mai của biển khơi, tâm hồn của các chiến sỹ Nhà giàn DK1 phần nào bớt đi sự cách biệt với đất liền dù vẫn đang còn đó những nỗi nhớ, ước mong.

Thượng úy Đậu Công Tuấn, Chính trị viên Nhà giàn DK1 tâm sự: “Trước khi ra nhà giàn, tôi muốn gửi gắm lại cho hậu phương rằng mặc dù tình hình trên biển hiện nay rất căng thẳng nhưng với chúng tôi, trọng trách canh giữ thềm lục địa của Tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu. Chúng tôi sẽ luôn vững chắc tay súng, kiên định trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực, luôn vững vàng bảo vệ vững chắc thềm lục địa của Tổ quốc.”

Để các cán bộ chiến sỹ Nhà giàn DK1 vững tin bám giữ biển khơi, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Tổ quốc giao phó, không thể không nói đến phần đóng góp của những người vợ, người mẹ ở hậu phương, tạo cho các anh sự an tâm tuyệt đối, để các anh vững tin, ngày đêm bám biển, nắm chắc tay súng giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

Chúng tôi đến gia đình Thiếu tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19 vào đúng lúc vợ anh, chị Lương Thị Thu - giáo viên Trường Trung học cơ sở Phước Thắng, thành phố Vũng Tàu, đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Đã 18 năm nay, bữa cơm gia đình chị thường vắng anh.

Chị Thu tâm sự từng ấy năm chung sống với nhau, thời gian anh ở cùng chị chỉ tính bằng ngày, bằng tháng. Mỗi ngày bóc một tờ lịch, chị chỉ mong sao cho cuốn lịch mỏng dần và anh hoàn thành nhiệm vụ trở về với sum họp với gia đình. Mong muốn là như thế, nhưng khi xác định lấy chồng hải quân, việc phải đối mặt với khó khăn là điều không thể tránh được. Do đó, bao năm nay, việc chồngvắng nhà đã dần trở thành thói quen đối với chị Thu.

Dù phải một mình chăm sóc gia đình nội ngoại, lo lắng chuyện con cái học hành, nhưng chưa bao giờ chị than vãn cùng anh. Những lá thư gửi ra ngoài nhà giàn chỉ là những câu chuyện vui về con cái, nhà cửa, bạn bè; còn những khó khăn cơ cực, chị dành riêng cho mình bởi chị không muốn anh phải bận lòng nơi biển xa. Như đồng cảm với mẹ, hai con của anh chị cũng đã lớn rất chăm ngoan, biết tự lo cho bản thân, chăm chỉ học hành, biết phụ giúp mẹ việc nhà.

Chặng đường 25 năm không quá dài đối với mỗi con người đang sống nơi đất liền, nhưng đối với các chiến sỹ Nhà giàn DK1, đó là một khoảng thời gian thật dài để nói lên tất cả sự anh dũng, sự hy sinh thầm lặng.

Với những chiến công, Tiểu đoàn DK1 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương chiến công hạng ba, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhì cùng nhiều bằng khen các cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục