Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng

Là dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 là minh chứng thể hiện thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến tranh của Đảng.
Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng ảnh 1Các đơn vị tham gia Chiến dịch biên giới 1950 làm lễ xuất phát, lên đường ra mặt trận. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 2/10, tại Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử.”

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng; một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Quân đội.

Khẳng định Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh cho thắng lợi của Chiến dịch Biên giới nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung.

Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình; giúp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, giá trị lịch sử, hiện thực cũng như những bài học, kinh nghiệm quý được đúc rút từ thực tiễn để vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, mong muốn bằng phương pháp luận khoa học, tư duy đổi mới sáng tạo, các đại biểu dự Hội thảo phân tích để tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn một số nội dung chủ yếu: bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ trong Kế hoạch Rerves; tình hình, khả năng ứng phó của thực dân Pháp ở biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn trước đòn tiến công chiến lược của ta; tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh.

[Cao Bằng: Khai mạc Triển lãm Chiến thắng Biên giới 1950]

Đồng thời, làm rõ quá trình chuẩn bị, xây dựng lực lượng, bảo đảm vũ khí trang bị, hậu cần; sự tham gia đóng góp của đông đảo tầng lớp nhân dân cho Chiến dịch Biên giới; tái hiện cuộc chiến đấu trên các chiến trường cả nước trong Thu-Đông 1950 nhằm phối hợp, chia lửa với Chiến dịch Biên giới; vai trò của hậu phương, căn cứ địa cách mạng, nhất là hậu phương tại chỗ; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ, phát huy sự giúp đỡ quốc tế.

Cùng với việc làm rõ vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, các ý kiến tham luận cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch làm nên Chiến thắng Biên giới; nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng; tập trung khái quát, đúc rút kinh nghiệm, bài học có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc.

Là dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 là minh chứng thể hiện thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến tranh của Đảng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Thị Hồng Hạnh (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Chiến thắng Biên giới bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song, quan trọng nhất là từ chủ trương đúng đắn, quyết tâm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đảng đã nhạy bén đánh giá chuẩn xác sự chuyển biến của tình hình, tích cực chuẩn bị mọi mặt, quyết định mở Chiến dịch kịp thời, chính xác; ra quyết định đúng đắn trong lựa chọn địa bàn, kịp thời chuyển hướng chiến lược, chuyển mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Xuân Nhiên (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Quốc phòng) cho rằng, Chiến dịch Biên giới đã cung cấp nhiều kinh nghiệm phong phú về nghệ thuật tác chiến cho Quân đội Việt Nam trên bước đường trưởng thành từ tác chiến du kích lên chính quy, trong đó có vấn đề nghi binh.

Hoạt động nghi binh trong Chiến dịch này được ta tiến hành chủ yếu để tạo cho địch những nhận định, phán đoán sai lệch, hoặc chí ít là không xác định được ý định thực và quy mô hành động của ta, bằng các biện pháp nghi binh đa dạng như đưa thông tin giả, triển khai giả, tác chiến giả..., làm cho địch bị đánh lừa dẫn đến mất phương hướng, tác động tích cực đến kết quả của Chiến dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh khẳng định, Chiến thắng Biên giới có sự đóng góp to lớn về sức người, sức của, về tinh thần, nghị lực của quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn với tinh thần chiến đấu dũng cảm, quên mình, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Những bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 có giá trị lịch sử, hiện thực sâu sắc, sẽ được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương, làm thay đổi diện mạo của một tỉnh địa đầu biên cương Tổ quốc.

Tổng thuật Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Với gần 90 báo cáo, tham luận có nội dung chi tiết, đi sâu phân tích nhiều khía cạnh toàn diện, Hội thảo đã góp phần khẳng định, làm sâu sắc hơn ý nghĩa chiến lược quan trọng của Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950.

Những bài học từ chiến thắng này không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, có thể vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947, quân và dân tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng gặp những khó khăn mới.

Tháng 6/1949, được Mỹ trợ giúp, thực dân Pháp ráo riết thực hiện Kế hoạch Revers. Với quyết tâm đập tan mưu đồ của thực dân Pháp, đẩy mạnh sự phát triển của cuộc kháng chiến, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới.

Chiến dịch diễn ra qua ba đợt, từ 16/9 - 14/10/1950. Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng Chiến dịch. Đây cũng là Chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, cùng Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉ đạo.

Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 có ý nghĩa bản lề quan trọng, là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.

Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu, Chiến dịch đã giành được thắng lợi to lớn. Đây là chiến dịch đầu tiên mà bộ đội Việt Minh chủ động tấn công, làm thay đổi cục diện chiến trường: bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục