Trận đánh then chốt trong ký ức của người anh hùng La Văn Cầu

Vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu kể lại chi tiết, mạch lạc những ký ức về trận đánh cứ điểm Đông Khê năm 1950.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu thăm các lô cốt Pháp tại Khu Di tích Chiến thắng Đông Khê. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu thăm các lô cốt Pháp tại Khu Di tích Chiến thắng Đông Khê. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Ở tuổi gần 90, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu có dịp trở lại thăm Đông Khê (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) - nơi diễn ra trận đánh Đông Khê, trận đánh then chốt, mở màn Chiến dịch Biên giới năm 1950 lịch sử.

Vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu kể lại chi tiết, mạch lạc những ký ức về trận đánh cứ điểm Đông Khê năm 1950.

Ông nhớ lại, trận Đông Khê diễn ra từ ngày 16-18/9/1950, là một trong những trận chiến ác liệt, mở màn cho Chiến dịch Biên giới năm 1950. Chiến dịch Biên giới chỉ có thể tiến hành khi phía ta chiếm được cứ điểm Đông Khê.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu cho biết, trong trận đánh Đông Khê, ông là thành viên Trung đội bộc phá, Trung đoàn 174. Trung đoàn có nhiệm vụ phá lô cốt, hàng rào để mở đường cho bộ đội ta tiến lên chiếm lĩnh trận địa.

Bằng sự quyết tâm, Trung đội bộc phá của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi kết thúc trận đánh, gần một nửa Trung đội hy sinh, còn lại ai cũng thương tích trong người. Ông cũng để lại cánh tay phải của mình ở chiến trường Đông Khê.

Ông La Văn Cầu xúc động khi nhớ về khoảnh khắc quyết định chặt bỏ cánh tay phải của bản thân. Trong trận đánh Đông Khê, ông được phân công chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu. Lúc này, địch tập trung bắn dữ dội. Để mở đường, ông đã động viên anh em trong tổ dũng cảm xông lên.

Khi vượt đến hào giao thông thứ ba, ông bị thương và ngất đi. Tỉnh dậy, ông thấy cánh tay phải bị đạn bắn gẫy nát. Nghĩ đến nhiệm vụ chưa hoàn thành, ông quay lại nhờ đồng đội chặt bỏ cánh tay bị thương rồi tiếp tục ôm bộc phá xông lên phá tan lô cốt đầu cầu để mở đường cho đơn vị xung phong diệt gọn địch.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu nhấn mạnh, Chiến dịch Biên giới năm 1950 là một chiến dịch lịch sử có một không hai của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến dịch này có Bác Hồ đích thân ra trận quan sát và chỉ huy, ông và đồng đội như được tiếp thêm nghị lực, thêm quyết tâm giành thắng lợi tại trận đánh Đông Khê năm ấy.

Trận đánh then chốt trong ký ức của người anh hùng La Văn Cầu ảnh 1Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu trao đổi với các quân nhân trẻ nhân dịp ông trở về thăm Đông Khê. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Người lính năm xưa kể thêm, ông vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhưng kỷ niệm ông nhớ nhất là sau chiến thắng Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950, nhân dịp Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức tổng kết chiến dịch (năm 1951), Bác Hồ mời ông Cầu lên thăm và ăn cơm với Người tại căn cứ địa cách mạng Việt Bắc.

Tối hôm đó, cùng ăn cơm với Bác có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt. Trong bữa cơm, Bác Hồ đã dành những lời động viên và khen ngợi hành động dũng cảm của đồng chí La Văn Cầu.

Về lại chiến trường xưa, người lính năm nào nghẹn ngào xúc động khi nhắc đến những đồng đội đã nằm lại ở mảnh đất Đông Khê. Đứng trước phần mộ liệt sỹ Lý Viết Mưu, Liệt sỹ Trần Cừ và nhiều liệt sỹ khác đã yên nghỉ tại mảnh đất Đông Khê lịch sử, Anh hùng La Văn Cầu run run thắp nén hương tưởng nhớ những người bạn đã khuất.

Trở lại thăm trận địa lịch sử cứ điểm Đông Khê, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu chia sẻ, ông rất vui mừng khi chứng kiến mảnh đất anh hùng đang đổi thay từng ngày. Ông mong thế hệ trẻ sẽ phát huy truyền thống cách mạng cố gắng học tập, lao động để góp phần xây dựng Đông Khê ngày càng phát triển và giàu đẹp.

Đại tá, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân La Văn Cầu (tên thật là Sầm Phúc Hướng), dân tộc Tày, sinh năm 1932 tại xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cán bộ tuyên truyền giác ngộ, năm 1948, ông đã khai tăng tuổi để được vào bộ đội. Trong Chiến dịch Biên giới, ông thuộc Trung đội 2, Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Do có thành tích trong chiến đấu, ngày 19/5/1952, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, khi đang là Tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Năm 1985, ông được phong hàm Đại tá. Ông đã được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục