Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ có nhiều tác động tới bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu.
Với Việt Nam, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực, được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến thương mại này trong tương lai.
VietnamPlus đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương nhằm làm rõ mặt tích cực và tiêu cực có thể tác động tới nền kinh tế trong nước khi cuộc chiến tranh thương mại này lan rộng và kéo dài.
[Liệu Trump có phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ]
Không còn là “đòn gió”?
- Ông đánh giá như thế nào về tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với kinh tế toàn cầu?
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Trong thương mại toàn cầu chúng ta thấy đang có 2 xu thế. Một xu thế là mở cửa là tự do theo tư tưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mấy năm gần đây lại trỗi lên tư tưởng mới là đóng cửa (bảo hộ mậu dịch). Việc này biểu hiện bằng nhiều hình thái khác nhau và chiến tranh thương mại cũng là một trong những biểu hiện của tư tưởng đóng cửa như vậy.
Thời gian gần đây nổi lên một hiện tượng đáng suy nghĩ đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Lúc đầu người ta cũng dự đoán cả hai bên chỉ “đánh đòn gió” mà thôi, vì trên thực tế nếu thực sự xảy ra chẳng bên nào có lợi cả.
Tuy vậy, sau nhiều đồn đoán thì gần đây điều đó đã thực sự xảy ra và biểu hiện là cả hai bên đều tìm những biện pháp trừng phạt lẫn nhau, đánh thuế nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thương mại toàn cầu và làm cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu giảm sút.
Tất nhiên, việc làm này cũng khiến cho nhu cầu của thị trường cũng sẽ bị suy giảm theo và thực tế này không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi hai quốc gia Mỹ-Trung mà còn lan rộng tới các nền kinh tế khác trong đó Việt Nam cũng không thể đứng ngoài được.
- Chúng ta đang xuất siêu sang Mỹ và nhập siêu lớn từ Trung Quốc, vậy ông dự đoán những tác động của cuộc chiến tranh thương mại này tới Việt Nam?
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Theo phân tích của tôi, cuộc chiến tranh thương mại này nó sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đối với thương mại của Việt Nam. Chúng ta đang nhập siêu từ Trung Quốc và từ trước đến nay hàng của Trung Quốc được xuất khẩu nhiều sang thị trường Mỹ.
Nếu bây giờ hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao ở thị trường này thì một lượng lớn năng lực sản xuất và sản phẩm đã sản xuất ra của Trung Quốc sẽ không tìm được đường sang Mỹ nữa thì dĩ nhiên họ sẽ tìm cách đưa sang thị trường khác, trong đó có thị trường của chúng ta.
Như vậy việc này sẽ đặt ra điều bất lợi cho chúng ta đó là làm cho xuất siêu của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam có nguy cơ bị tăng lên.
Biểu hiện thứ hai nữa là khi hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ bị đánh thuế và năng lực cạnh tranh của hàng Trung Quốc sẽ bị suy giảm tại thị trường này thì lại là một cơ hội cho tất cả các sản phẩm khác ngoài Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ trong đó có Việt Nam, nhưng cần phải xem những mặt hàng cụ thể gì.
Ví dụ, Mỹ đánh thuế cao mặt hàng sắt thép của Trung Quốc thì mặt hàng sắt thép của chúng ta có vào được thị trường Mỹ không và liệu có tận dụng được cơ hội này để tiêu thụ tại thị trường Mỹ hay không thì phải xem xét ở những mặt hàng cụ thể.
Như vậy, có thể thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vừa là yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế của Việt Nam những cũng mở ra điều kiện mà nếu chúng ta biết tận dụng thì sẽ đem lại cái lợi cho Việt Nam.
Nguy cơ “núp bóng” hàng Việt?
- Gần đây một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan và Hàn Quốc, vậy việc này có tác động như thế nào trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thưa ông?
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Hiện tượng và dư luận thép của Trung Quốc núp bóng Việt Nam đã có từ lâu đặc biệt khi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được hoàn tất đàm phán với hy vọng hàng hóa của Việt Nam vào được thị trường Mỹ, thì đây cũng là giai đoạn nở rộ việc các nhà đầu tư của Trung Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam để được mang "Made in Việt Nam". Dĩ nhiên, hiệp định TPP không trở thành hiện thực và đây cũng là bước hụt cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Dù vậy, khi chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc-Mỹ nổ ra thì hiện tượng mạo danh hàng Việt Nam sẽ lại càng có điều kiện và dễ xảy ra vì vậy chúng ta nên cảnh giác hiện tượng này. Tôi phải nhấn mạnh, nếu chúng ta để hiện tượng này xảy ra sẽ có hai hậu quả tai hại, thứ nhất đó là chúng ta xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhưng đem lại lợi ích cho các thương nhân Trung Quốc.
Thứ hai, nếu phía Mỹ phát hiện ra thì sẽ trừng phạt những mặt hàng khác và doanh nghiệp khác của Việt Nam. Như vậy sẽ khiến chúng ta thiệt đơn thiệt kép, điểu đó đòi hỏi các địa phương, cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường kiểm tra để không xảy ra hiện tượng này.
- Theo ông ngoài xuất nhập khẩu thì còn lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Ngoài xuất nhập khẩu thì lĩnh vực đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Từ trước đến nay việc đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn, chỉ sau mỗi Hàn Quốc.
Thực tế, cuộc chiến tranh thương mại nếu xảy ra, các nhà kinh doanh của Trung Quốc sẽ tìm cách đầu tư vào Việt Nam để có được xuất xứ của Việt Nam để hưởng lợi.
- Vậy, Việt Nam cần có giải pháp gì để giảm thiểu những tác động xấu từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thưa ông?
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Như tôi đã nói, cuộc chiến tranh thương mại nếu không được kiểm soát mà ngày càng phát triển sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của toàn cầu.
Điều đó cũng dẫn tới nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thế giới suy giảm, lúc đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và đầu tư của chúng ta. Do vậy, chúng ta phải có giải pháp để giữ được thị trường truyền thống của mình, đặc biệt là thị trường châu Âu, thị trường Đông Âu là những thị trường vẫn còn có điều kiện phát triển.
Quan trọng hơn, chúng ta cần có giải pháp để không bị lôi cuốn vào tầm ảnh hưởng xấu của cuộc chiến tranh thương mại này mà cần tìm mọi cách đưa được hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ bởi khi hàng của Trung Quốc kém cạnh tranh ở thị trường này sẽ mở ra một khả năng cho tất cả hàng hóa của các quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Tiếp đến, chúng ta cần đề phòng một luồng hàng hóa không xuất khẩu được của Trung Quốc vào thị trường Mỹ mà sẽ tìm cách tiêu thụ tại Việt Nam cũng như các nguồn vốn của Trung Quốc đổ vào Việt Nam, vì vậy chúng ta cần có sự lựa chọn và tỉnh táo trong những khía cạnh này.
- Trong bối cảnh hiện nay, theo ông các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo được những cú hích như thế nào đối với sự pháp triển của Việt Nam?
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Dù không có cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì tất cả các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết đều mở ra các cơ hội cho Việt Nam.
Ví dụ hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) đã giúp chúng ta cũng đưa được hàng hóa vào thị trường khó tính này. Hay hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, đây là thị trường vô cùng lớn và phù hợp với các sản phẩm có của Việt Nam giúp chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu...
Nói tóm lại, với các hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết đang mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội tốt, nhất là CPTPP sẽ giúp chúng ta đưa được hàng hóa vào thị trường các nước châu Á Thái Bình Dương đặc biệt là tiếp nhận được nhiều công nghệ hiện đại nhất là công nghệ 4.0 của các nước này để nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta lên.
- Xin cảm ơn ông./.