Chiến tranh thương mại không ảnh hưởng tới 'Thế kỷ châu Á'

Chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách tại châu Á không cần quá bận tâm với tăng trưởng đột phá, thay vào đó phải tính toán dài hơi để phát huy tiềm năng của khu vực này.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty trách nhiệm hữu hạn 4P ở Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo ông Lord Green, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Asia House (Anh), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái trong ngắn hạn không làm ảnh hưởng tới “Thế kỷ châu Á.”

Mặc dù các nước Đông Nam Á có thể được hưởng một số lợi ích từ xu hướng doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, song các quốc gia này cần có kế hoạch thúc đẩy cách mạng kỹ thuật số. 

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á đi 0,4% so với dự báo trước đó.

[Ông Goh Chok Tong: Xung đột Mỹ-Trung là thảm họa đối với thế giới]

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này đã bị điều chỉnh xuống 5%, song đây vẫn là mức tăng trưởng tương đối cao. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều mối quan ngại về hiệu quả kinh tế bị đình trệ ở khu vực này.

Ông Lord Green lưu ý rằng con đường nhanh nhất không phải lúc nào cũng thành công. Các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia châu Á không cần quá bận tâm với tăng trưởng đột phá, thay vào đó phải nghĩ suy, toan tính dài hơi để phát huy tiềm năng của khu vực này.

Chuyên gia này nhấn mạnh các nước châu Á cần nắm bắt cơ hội nhất là trong một tình huống khó khăn.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gây hỗn loạn tại các thị trường và bất ổn trong môi trường đầu tư, song có những quốc gia vẫn có thể giành được chiến thắng mặc dù không tham gia cuộc chiến.

Đông Nam Á thường được coi là địa chỉ thu hút các công ty đa quốc gia khi họ muốn dịch chuyển sản xuất và đầu tư khỏi Trung Quốc.

Trên thực tế, điều này đang tác động tới việc hoạch định chính sách của các nước.

Trong ngân sách tài khóa 2020 vừa được đưa ra bàn luận tại Quốc hội đầu tháng Mười, Malaysia dự tính chi 239 triệu USD để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài tái cơ cấu đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính nước này Lim Guan Eng khẳng định cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã một lần nữa mang lại cơ hội để Malaysia trở thành điểm đến ưa thích của các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị cao.

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia gần đây yêu cầu các bộ trưởng trong Nội các tích cực hơn nữa nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài, sau khi có số liệu cho thấy không có công ty nào chọn nước này để đầu tư sau khi rút khỏi Trung Quốc.

Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã minh chứng được sức hấp dẫn vượt xa.

Trong khi các nước châu Á đang đối phó với vấn đề vốn đã dần được giải quyết, những lợi ích ngắn hạn liên quan lại bị bao phủ bởi nhiều trở lực lớn hơn. Một trong số đó là cách mạng kỹ thuật số.

Các nền kinh tế mới nổi châu Á cần phải cân nhắc để trả lời câu hỏi: liệu cách mạng kỹ thuật số có giá trị gì cho chiến lược thương mại và mô hình phát triển của mình.

Ý tưởng truyền thống của giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển liên quan tới công nghệ chế tạo dựa trên giá nhân công thấp hiện đang mai một dần do ảnh hưởng nhanh chóng của ứng dụng công nghệ hiện đại.

Lấy ví dụ minh họa, do công nghệ in 3D phát triển, nhiều khả năng chúng ta có thể thấy được việc sản xuất hàng hóa sẽ được thực hiện ở các quốc gia ban đầu thay vì chuyển quá trình sản xuất tới các nước châu Á mới nổi.

Những lợi ích trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo mà các nước Đông Nam Á có được từ cuộc chiến thương mại có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Chủ tịch Asia House cho rằng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - một nhân tố khác gây bất ổn tại châu Á - có thể có nguồn gốc lịch sử, nhưng điều này đã đưa các công nghệ kỹ thuật số cùng chính sách bảo mật vào trọng tâm cốt lõi nhất. Những căng thẳng này đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Theo ông Lord Green, những căng thẳng, tranh chấp mà chúng ta đang chứng kiến trên khắp châu Á không chỉ là một chuỗi các vấn đề độc lập mà là dấu hiệu của sự thay đổi lớn hơn.

Liệu rằng có phải những căng thẳng là sự tổn thương ngày càng gia tăng của một trật tự thế giới mới khi địa vị siêu cường của Mỹ đang bị thử thách bởi sức mạnh toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và nơi mà cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi mọi toan tính của con người?

Phải chăng chúng ta không nhìn thấy ranh giới của khuôn khổ mà chúng ta đều quen bị đẩy đến giới hạn của chúng?

Người đứng đầu Asia House nhận định đây là câu hỏi lớn trong thời điểm hiện tại.

Liệu hai nền văn minh vĩ đại với những cách tiếp cận khác nhau đối với đời sống xã hội, kinh tế và chính trị có thể cùng tồn tại hòa bình trong một hệ thống toàn cầu duy nhất trong kỷ nguyên số?

Tuy nhiên, ông Lord Green bày tỏ sự lạc quan của mình khi cho rằng châu Á là khu vực tốt nhất để đối phó với các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Tâm lý tại châu Á trong trạng thái đối lập hoàn toàn so với các khu vực khác trên thế giới nơi mà chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang gia tăng.

Tất nhiên, suy thoái kinh tế, căng thẳng thương mại và sự bất ổn có thể mang lại tâm lý bi quan. Chúng ta đã nghe rất nhiều về bẫy “Thucydides” và tính tất yếu của sự thất bại của hệ thống dựa trên quy tắc toàn cầu.

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục nhấn mạnh cam kết của mình đối với một hệ thống dựa trên quy tắc.

Động lực của ASEAN trong việc hoàn thiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực (RCEP) là minh chứng cho cam kết mở cửa đối với thương mại đa phương trong hệ thống đã được thiết lập.

Và đối với Trung Quốc, những làn gió thay đổi đã dần xuất hiện. Tuần trước, cường quốc kinh tế số hai thế giới đã nhảy 14 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Chìa khóa tạo nên xu hướng này là chương trình cải cách quyết liệt của Bắc Kinh.

Theo WB, trong khoảng thời gian từ năm 2016-2018, Trung Quốc đã ban hành 6 cải cách với mục đích mở cửa thị trường. Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2019, Trung Quốc đã ban hành 7 cải cách. Điều này cho thấy sự quyết tâm tuân thủ các quy định mà nước này đã tham gia.

Trong khi đó, nền tảng cơ bản của các nước châu Á cho thấy khả năng thích ứng với các thay đổi. Mặc dù tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, khu vực này vẫn là châu lục tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Châu Á chiếm 60% dân số toàn cầu và tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng.

Đặc biệt, Đông Nam Á có cơ cấu dân số trẻ với động lực và sự lạc quan có thể biến khu vực này thành điểm đến tuyệt vời để đầu tư thúc đẩy cách mạng kỹ thuật số. Lợi thế nhân khẩu học đang trợ lực để hình thành những thị trường công nghệ và sáng tạo trên thế giới./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục