Theo bài viết trên trang mạng của Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế (CSIS), có quá nhiều sự kiện xảy ra trong vài tuần qua, nhưng đều không làm thay đổi căn bản của cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này khiến việc tìm ra giải pháp trở nên khó khăn hơn.
Có rất nhiều sự kiện đã diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 300 tỷ của Trung Quốc từ ngày 1/9.
Tuy nhiên, sau đó, Chính quyền của Tổng thống Trump quyết định trì hoãn việc áp thuế đối với một số mặt hàng cho tới ngày 15/12.
Về phần mình, Trung Quốc đã cho phép hạ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn và điều này khiến Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Sau tuyên bố áp thuế của Mỹ, Trung Quốc cũng thông báo sẽ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 75 tỷ USD.
[Mỹ-Trung sẽ tái khởi động đàm phán thương mại trong tháng 10]
Để trả đũa hành động của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một loạt dòng trạng thái đăng trên Twitter đã yêu cầu các công ty của Mỹ rời khỏi Trung Quốc và tìm nguồn cung ứng khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc sau đó lại tuyên bố sẽ không trả đũa ngay lập tức và động thái này vì thế ít nhất tạm thời giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra chu kỳ trả đũa thuế quan theo kiểu "ăn miếng trả miếng.”
Việc trì hoãn các biện pháp thuế được cho là sẽ giúp hai bên hạ nhiệt căng thẳng và tìm cách đưa cuộc đàm phán mang tính xây dựng trở lại đúng hướng.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ dàng vì các nguyên tắc cơ bản không thay đổi. Mỹ sẽ vẫn đòi hỏi nhiều hơn những gì mà Trung Quốc sẽ đáp ứng, vì thế Tổng thống Trump cuối cùng sẽ phải lựa chọn, hoặc ký một thỏa thuận tồi hoặc tiếp tục cuộc chiến gây thiệt hại lớn.
Như đã đề cập trước đó, cách tốt nhất đối với Tổng thống Trump là đạt được một thỏa thuận ngay trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới và những điểm yếu của ông sẽ không bị bộc lộ cho tới sau cuộc bầu cử.
Vấn đề trước mắt của Tổng thống Trump là làm thế nào để kéo dài các cuộc đàm phán trong một năm mà không có vẻ như ông đang tìm cách trì hoãn chúng.
Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ không có lợi ích trước mắt nào nếu chấm dứt đàm phán. Nếu Tổng thống Trump rút khỏi đàm phán, thì điều đó đồng nghĩa với việc ông thừa nhận thất bại đối với một vấn đề quan trọng.
Điều này sẽ tước đi cơ hội chiến thắng mà ông mong đợi và khiến ông phải đối mặt với những chỉ trích rằng ông đã theo đuổi một chính sách thất bại gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ.
Nếu Trung Quốc rút khỏi các cuộc đàm phán thì họ sẽ đem lại cho Tổng thống Trump cơ hội tháo được nút thắt chính trị mà ông đang phải đối mặt bằng cách đổ lỗi cho Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ làm tổn hại chân dung tự họa bản thân là quốc gia có “thiện chí” và muốn một kết quả đàm phán thương mại hợp lý và có thể phải gánh chịu sự trả đũa tồi tệ hơn. Vì vậy, mà cả Mỹ và Trung Quốc đều mắc kẹt trong một tình thế không mấy dễ chịu khi cả hai không thể rút lui mà không phải chịu hậu quả tồi tệ.
Sự thất thường của Tổng thống Trump, đặc biệt trong những tuần qua đã khiến tình hình trở nên bất ổn hơn và có vẻ khiến Trung Quốc đưa ra kết luận rằng triển vọng đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Trump là điều không thể.
Về cơ bản, Tổng thống Trump đã biến ông thành nhà đàm phán, làm giảm uy tín của Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và các cố vấn khác của ông.
Đối với phía Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có hành động tương tự đối với Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Như vậy rất khó để đàm phán một thỏa thuận khi cả hai đều tin rằng mọi quyết định của phía bên kia có thể bị “lãnh đạo” của họ hủy bỏ.
Điều này bất lợi hơn đối với phía Mỹ, bởi trong hơn hai năm qua Tổng thống Trump đã chứng minh sự khó lường của mình.
Câu hỏi đặt ra là có phải ông Trump về cơ bản muốn một thỏa thuận mà sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế, hay ông có thể bị mua chuộc bằng một sự trao đổi lớn hơn từ phía Trung Quốc?
Liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bạn thân nhất hay là kẻ thù tồi tệ nhất của ông Trump?
Liệu Huawei có phải là mối đe dọa an ninh quốc gia mà cần phải loại trừ khỏi thị trường Mỹ, hay đây chỉ là quân bài thương lượng trong đàm phán thương mại?
Liệu ông Trump sẽ thực việc áp thuế đối với nhóm hàng hóa tiếp theo của Trung Quốc, hay đây chỉ là một trường hợp khác giống như Mexico?
Liệu ông Trump sẽ thực sự cố gắng để buộc các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc?
Đối với mỗi tuyên bố, dường như đều có mâu thuẫn từ Tổng thống Trump hoặc từ các cố vấn của ông và hiện chưa có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. Có thể thấy các tác động tiêu cực của sự bất ổn này đối với đầu tư kinh doanh, thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Phía Trung Quốc dường như cho rằng các nhà đàm phán ở cấp thấp của Mỹ đã mất uy tín và không thể xác định được những gì mà Tổng thống Trump thực sự muốn, hoặc quan trọng hơn là liệu Tổng thống Trump có tôn trọng bất kỳ một thỏa thuận nào mà họ đạt được. Điều này có thể nhìn thấy ở trường hợp của Mexico bởi sáu tháng sau khi ký thỏa thuận thương mại với Mexico, Tổng thống Trump đã đe dọa áp thuế lên hàng hóa nhập từ nước này.
Nếu các thỏa thuận có thể bị bỏ qua một cách dễ dàng, điều gì là quan trọng, đó là câu hỏi lớn của Bắc Kinh. Điều này khiến cho cả Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng ngay cả khi các cuộc đàm phán vẫn diễn ra, bởi không bên nào có đủ khả năng chấm dứt chúng./.