Tháng 12/2018, hoạt động sản xuất dần chững lại trên toàn châu Âu và châu Á khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa đi đến hồi kết, cùng với đó, sản lượng của không ít nền kinh tế cũng chịu tác động khi nhu cầu tiêu thụ giảm.
Thực trạng này báo hiệu một triển vọng ảm đạm trong năm mới 2019.
Hàng loạt thống kê công bố ngày 2/1 cho thấy hầu hết các chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 12 đều chỉ ra hoạt động sản xuất toàn cầu đang diễn biến theo xu hướng giảm hoặc chững lại.
Tại Trung Quốc, chỉ số Caixin/IHS Markit PMI lần đầu tiên bước vào ngưỡng giảm trong vòng 19 tháng qua.
[Infographics] 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2018
Sự suy yếu sản xuất tại Trung Quốc cũng lan sang các nền kinh tế khác ở châu Á như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Cuối năm 2018, hoạt động sản xuất tại các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hầu như "giậm chân tại chỗ," các khảo sát PMI trước đó tại Italy và Pháp tiếp tục trong ngưỡng giảm và triển vọng tăng trường sản xuất tại cả Đức và Tây Ban Nha đều rất mờ nhạt.
Trong khi đó, các nhà máy tại Anh lại đang tăng cường dự trữ đề phòng khả năng hoạt động thương mại với Liên minh chây Âu (EU) bị gián đoạn khi quốc gia này rời khỏi khối mà không có thỏa thuận trong chưa đầy 3 tháng tới.
Chỉ số PMI của Anh tăng mạnh hơn dự đoán, lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng.
Nhà chiến lược châu Á của Ngân hàng ANZ Irene Cheung cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ thực sự chững lại trong năm 2019 và xu hướng này đang tác động mạnh tới các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu.
Theo chuyên gia này, các thông số mới công bố càng củng cố niềm tin rằng trong năm 2019, các ngân hàng trung ương sẽ không thay đổi đáng kể chính sách tiền tệ so với năm 2018./.