Mạng tin Asia Sentinel mới đây đăng bài viết với tựa đề "Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực" của nhà báo kỳ cựu người Ấn Độ Neeta Lal.
Theo tác giả, Nam Á đang trở thành "chiến trường kinh tế" giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục tìm cách chống lại ảnh hưởng của New Delhi ở khu vực thông qua việc bơm hàng tỷ USD vào các dự án phát triển tại những quốc gia bao quanh Ấn Độ cấu thành nên chiến lược "Chuỗi Ngọc trai" của New Delhi.
Với việc khởi động sáng kiến khổng lồ "Vành đai và Con đường" trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2013, Trung Quốc đang đi trước Ấn Độ khá xa cả về thời gian và tài chính. Ngoài những kế hoạch cơ sở hạ tầng dọc ngang châu Á và thậm chí vươn đến tận châu Phi, Bắc Kinh còn sử dụng sức mạnh kinh tế để lôi kéo những quốc gia nhỏ hơn ở "sân sau" của Ấn Độ, từ Maldives, Sri Lanka đến Bangladesh, Bhutan và Nepal.
Ấn Độ xuất phát muộn hơn nhưng đang tăng tốc tiếp cận các đồng minh để duy trì vị thế cường quốc khu vực của mình, từ đập Salma trị giá 300 triệu USD ở Afghanistan (hay còn gọi là Đập hữu nghị Ấn Độ-Afghanistan), nhà máy điện hạt nhân Rooppur đang được xây dựng ở Bangladesh, tới các tuyến đường sắt với Nepal và Bangladesh cũng như các dự án đường sắt tại Myanmar.
Tại Afghanistan, Ấn Độ cũng đang hỗ trợ triển khai dự án đập Shahtoot ở lòng chảo sông Kabul. Dự án này sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho thủ đô của Afghanistan. Ngoài ra, hàng loạt dự án nhỏ dưới 1 triệu USD ở Afghanistan cũng đang được thực hiện như trường học, bệnh viện, trung tâm dạy nghề cho nữ giới và tái phát triển những khu vực bị chiến tranh tàn phá.
Trong khi đó, tuyến đường sắt giữa Janakpur (Nepal) và Jaynagar thuộc bang Bihar (Đông Bắc Ấn Độ) cũng dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào cuối năm. Ấn Độ gần đây cũng đã cung cấp 18 đầu kéo xe lửa cho Myanmar trong khuôn khổ gói hỗ trợ trị giá 679 triệu USD.
Bangladesh là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ các dòng tín dụng của Ấn Độ, với việc nhận gần 8 tỷ USD để thúc đẩy các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng như cảng, đường sắt và đường bộ. Việc xây dựng mạng lưới truyền tải và phân phối của nhà máy điện hạt nhân Rooppur ở miền Tây Bắc Bangladesh vẫn đang tiến triển mau lẹ.
Về phần mình, như một chỉ dấu cho thấy mức độ cam kết của Bắc Kinh đang làm lu mờ những nỗ lực của Ấn Độ trong khu vực, theo Viện nghiên cứu chính sách công American Enterprise Institute, từ năm 2012-2018, Trung Quốc đã rót 8,06 tỷ USD vào Myanmar, 43 tỷ USD vào Bangladesh, 20 tỷ USD vào Sri Lanka, 5,45 tỷ USD vào Nepal và 420 triệu USD vào Afghanistan.
Tính tổng, Bắc Kinh đã rót hơn 100 tỷ USD vào Nam Á, trong đó một phần lớn đổ vào Bangladesh và Pakistan. Tại Pakistan, Trung Quốc cam kết chi 62 tỷ USD nữa để nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho tuyến thương mại dẫn tới cảng Gwadar bên bờ biển miền Nam Pakistan. Trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), dòng tiền của Trung Quốc đang chảy vào 21 nhà máy điện, một cảng và sân bay quốc tế ở Gwadar, các tuyến đường bộ và đường sắt. Asia Sentinel đưa tin: khoản đầu tư khổng lồ này gần như đã làm khánh kiệt Pakistan, cũng giống với trường hợp của Sri Lanka, và khiến 2 nước này lâm vào cảnh lệ thuộc Bắc Kinh về chính trị và kinh tế.
New Delhi đang theo dõi các hoạt động động đầu tư ồ ạt của Trung Quốc tại vùng ngoại vi của mình với sự cảnh giác cao độ. Phần lớn sự hào phóng đó của Bắc Kinh nhằm vào những quốc gia có ban lãnh đạo vốn không ưa gì Ấn Độ. Nhà phân tích chính trị Shiv Vishwanathan đánh giá: "Trung Quốc có những túi tiền rủng rỉnh. Dựa vào đó, họ đang mua chuộc các nước để làm suy yếu ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực và thu về các lợi ích chính trị của bản thân ở nước ngoài. Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là 'tình bạn' của Trung Quốc khiến người thụ hưởng phải trả một cái giá đắt xét về những tai ương kinh tế."
Lo ngại về các nỗ lực từ đối thủ "nhà giàu" nhằm lôi kéo bạn bè của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi gần đây đã nối lại các nỗ lực để củng cố các mối quan hệ láng giềng. Tháng trước, ông dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih.
Mối quan hệ Ấn Độ-Maldives trở nên lạnh nhạt dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen - người không giấu giếm chiều hướng ngả về Trung Quốc. Ông Yameen đã ký một loạt thỏa thuận và hợp đồng với Bắc Kinh, gây tổn hại tới các lợi ích quốc gia, nhưng rốt cuộc đã phải rời nhiệm sở sau khi khiến cử tri xa lánh với những hành động chuyên quyền và độc đoán. New Delhi và Male nay đang nỗ lực hướng tới việc thúc đẩy mối quan hệ hợp dưới thời chính quyền mới của Maldives.
Không giống như Trung Quốc, hầu hết các nhà quan sát cho rằng Ấn Độ cung cấp sự hỗ trợ dựa trên nhu cầu chứ không phải giá trị kinh tế của các dự án đối với New Delhi. Sự tiếp cận của Modi với các nước xung quanh trong khuôn khổ chính sách "láng giềng trước tiên" - đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc - đã giúp tăng cường sự quan hệ với các nước láng giềng châu Á và củng cố quan hệ kinh tế với những nước này.
Một quan chức cấp cao trong đảng BJP cầm quyền của Ấn Độ nói: "Nguyên tắc bao trùm các mối quan hệ đối tác của chúng tôi với các nước láng giềng là mối quan hệ đó mang tính hữu cơ và không ép buộc. Chúng tôi không khiến người thụ hưởng phải mắc nợ hoặc phá sản tài chính. Ấn Độ tin vào việc xây dựng nền dân chủ cơ sở và các mối quan hệ bền vững, chứ không phải đặt 'bẫy nợ' nhằm vào những quốc gia thật thà và dễ bị tổn thương."
Mặc dù vậy, các chuyên gia chính sách nhận định Ấn Độ chưa xây dựng được một kế hoạch hành động nhất quán nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Họ khuyến nghị rằng để bảo vệ các mục tiêu chiến lược của mình và duy trì vị thế cường quốc thống trị ở Nam Á và Ấn Độ Dương, New Delhi cần tìm ra các sáng kiến có khả năng thay thế các sáng kiến kết nối do Bắc Kinh đứng đầu./.