Chiết xuất thành công curcumin nano tinh khiết hàm lượng cao

Công ty Hỏa Tự Long đã thiết kế dây chuyền máy sản xuất với "đầu vào" là củ nghệ vàng, "đầu ra" là Curcumin nano tinh khiết hàm lượng đạt đến mức cao nhất 95-98%.

Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long Trịnh Đình Năng và trợ lý Phạm Văn Hạnh đã nghiên cứu và chiết xuất thành công curcumin nano tinh khiết đạt hàm lượng 95-98% - tỷ lệ chiết xuất cao ở Việt Nam.

Theo ông Trịnh Đình Năng, trong gần 4 tháng, ông và trợ lý Phạm Văn Hạnh đã nghiên cứu xong công nghệ chiết xuất curcumin và thiết kế toàn bộ dây chuyền máy sản xuất đồng bộ công nghệ cao với "đầu vào" là củ nghệ vàng, "đầu ra" là curcumin nano tinh khiết hàm lượng đạt đến mức cao nhất 95-98%. Đây là curcumin tổng hợp tinh khiết nhất bởi đã được tách hết dầu và lipit để có curcumin tổng hợp và sản phẩm curcumin nano dạng bột hòa tan hoàn toàn trong nước.

Trên thế giới đã có nhiều nước sản xuất máy để chiết xuất curcumin nhưng thiết bị rất đắt và cũng chưa đạt được tỷ lệ tinh chất cao như hệ thống đề mô thực nghiệm công nghiệp chiết xuất mà Công ty Hỏa Tự Long đang thực hiện.

Hệ thống chiết xuất của Công ty Hỏa Tự Long là một dây chuyền khép kín từ máy bóc vỏ, khoang tuyển, máy phay, máy tách dầu công nghiệp CO2 siêu tới hạn, máy tách lipit, máy tách curcumin... Các chu trình đều sử dụng công nghệ cao để thực hiện. Chu trình bóc vỏ được thực hiện theo phương pháp gọt đều trên bề mặt, mọi ngóc ngách của củ nghệ đều được bóc đều lớp vỏ ngoài với độ đều 0,5mm.

Việc nghiên cứu và chiết xuất thành công curcumin nano tinh khiết đã mở ra cơ hội phát triển công nghệ sản xuất tại địa bàn trong nước, đặc biệt là ở Bắc Kạn. Hai nhà sáng chế đều có quá trình sống và làm việc nhiều năm ở Bắc Kạn. Từ việc khảo sát cây nghệ vàng tại Bắc Kạn, hai ông đã nhận thấy cây nghệ vàng rất thích hợp với thổ nhưỡng quanh khu vực có núi đá vôi như An Thắng (huyện Pác Nặm), Quảng Khê, Đồng Phúc (huyện Ba Bể) và các huyện Na Rỳ, Chợ Mới, Chợ Đồn, đều cho hàm lượng curcumin trung bình 9% ở những vùng núi đá, vùng đất đỏ cho curcumin khoảng 5%.

Theo ông Trịnh Đình Năng, khi nhà máy đi vào hoạt động, trước mắt, nhà máy sẽ thu mua nghệ của người dân ở các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rỳ, Ngân Sơn, Chợ Mới, Chợ Đồn, sau đó sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng sâu, vùng xa, nâng cao đời sống cho người dân miền núi Đông Bắc và Tây Bắc.

Củ nghệ bắt đầu được sử dụng trong y học Ayurveda tại Ấn Độ từ khoảng năm 1900 trước công nguyên để chữa trị các loại bệnh tật. Nghiên cứu của các nhà khoa học vào cuối thế kỷ 20 đã xác định curcumin đóng vai trò quan trọng trong các hoạt tính sinh học của củ nghệ.

Dựa trên những nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết khả năng chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bệnh của curcumin. Hiện nay đã có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng ở người đang được thử nghiệm để nghiên cứu về tác dụng của curcumin trong việc điều trị các bệnh như viêm tủy, ung thư tụy, hội chứng loạn sản tủy, ung thư ruột kết, bệnh vẩy nến, bệnh Alzheimer.

Các nghiên cứu cũng cho thấy curcumin có tính chất chống ung thư, chống ôxy hóa, chống viêm khớp, chống thoái hóa, chống thiếu máu cục bộ và kháng viêm. Ngoài ra, curcumin cũng làm vô hiệu hóa tế bào ung thư và ngăn chặn hình thành các tế bào ung thư mới. Curcumin giúp cơ thể phòng ngừa và chống ung thư. Curcumin là một chất có triển vọng lớn trong điều trị viêm gan B, C và nhiễm HIV.

Ông Trịnh Đình Năng cho biết khó khăn nhất công ty hiện nay là vốn để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất. Dự án này đang cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, ưu đãi đầu tư và hỗ trợ pháp lý để thực hiện. Công ty chỉ có 20% kinh phí và đang thiếu tới 80% kinh phí để nhà máy có thể đi vào hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.