Ngày 8/5, hơn 26 triệu cử tri Nam Phi bắt đầu tham gia bầu cử tại hơn 20.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Đây là cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc lần thứ 6 tại quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi này kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid sụp đổ 25 năm trước.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cương lĩnh tranh cử của các chính đảng chủ chốt tại Nam Phi tập trung vào phát triển kinh tế đất nước và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngay từ đầu giờ sáng, đông đảo cử tri Nam Phi đã xếp hàng dài tại các điểm bỏ phiếu để lựa chọn ra người đứng đầu đất nước. Tuy nhiên, theo quy định, người dân Nam Phi sẽ không trực tiếp bầu tổng thống mà thay vào đó họ sẽ bỏ phiếu chọn ra chính đảng.
Chính đảng nào giành chiến thắng với đa số phiếu sau đó sẽ cử cá nhân ưu tú nhất làm ứng viên tổng thống. Tương tự như vậy, chính đảng nào giành được nhiều phiếu bầu của cử tri cũng sẽ nắm giữ tỷ lệ ghế ương tứng trong quốc hội. Sau bầu cử, Quốc hội Nam Phi với 400 ghế sẽ bầu tổng thống.
Theo Hiến pháp, Tổng thống Nam Phi đảm nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ kéo dài 10 năm.Theo Ủy ban Bầu cử độc lập Nam Phi (IEC), cuộc tổng tuyển cử 2019 bao gồm 48 chính đảng tham gia tranh cử, nhiều hơn 19 chính đảng so với cuộc bầu cử trước đó vào năm 2014.
[Gần 27 triệu cử tri Nam Phi tham gia bỏ phiếu tổng tuyển cử]
Đây cũng là cuộc bầu cử chọn ra lãnh đạo thứ 4 của Nam Phi kể từ khi cố Tổng thống Nelson Mandela giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên diễn ra năm 1994.
Kế nhiệm cố Tổng thống Nelson Mandela là các cựu Tổng thống Thabo Mbeki và Jacob Zuma. Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Cyril Ramophosa được Quốc hội bầu mà không qua bầu cử hồi đầu năm 2018 sau khi phế truất ông Jacob Zuma vì các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.
Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận ngay trước thềm bầu cử, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi hiện đang nhận được sự ủng hộ của đa số người dân và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giành chiến thắng lần thứ 6 liên tiếp.
Theo kết quả thăm dò dư luận, 61% trong số 3.600 người trưởng thành được hỏi khẳng định ủng hộ đảng ANC cầm quyền, 19% ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ (DA), 11% ủng hộ đảng Các Chiến binh tự do kinh tế (EFF).
Đặc biệt, trong 45 chính đảng tham gia tranh cử còn lại, không đảng nào giành được quá 2% số người ủng hộ.
Trong cương lĩnh tranh cử, đảng ANC nhấn mạnh việc hướng tới chuyển đổi nền kinh tế để phục vụ người dân cũng như những ưu tiên khác trong thời gian tới như chuyển đổi xã hội, phòng chống tội phạm, bạo lực giới, tham nhũng, củng cố các thể chế nhà nước, xây dựng đoàn kết dân.
Trong khi đó, hai đảng đối lập chính là EFF và DA, bên cạnh việc đưa ra cương lĩnh tranh cử có nhiều điểm tương đồng với ANC như tập trung vào phát triển kinh tế, tạo việc làm và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng./.