Việc 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5/10 hoàn toàn văn kiện mang tính lịch sử này nhận được nhiều phản ứng tích cực từ chính giới cũng như giới doanh nghiệp, tuy nhiên, bên cạnh các đánh giá tích cực cũng có nhiều ý kiến hoài nghi.
TPP được thông qua sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp nhỏ là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng việc làm cho người dân Mỹ, hiện có tới 98% các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường phải đối mặt với các rào cản thương mại khiến họ không thể tiếp cận được thị trường nước ngoài. Điều này có nghĩa là tiềm năng xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ là rất lớn và khi nút thắt này được tháo gỡ, các doanh nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thị trường rộng lớn với khoảng 95% người tiêu dùng toàn cầu.
TPP sẽ giúp tháo gỡ các rào cản thương mại vốn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ như việc đánh thuế cao, thủ tục giấy tờ phức tạp...; giúp hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ được dễ dàng lưu thông, vận chuyển với chi phí thấp hơn, tạo cơ chế thủ tục minh bạch, hiệu quả cho các hàng hóa của họ được xuất khẩu nhanh chóng.
Bên cạnh đó, TPP sẽ giúp xóa bỏ hơn 18.000 loại thuế khác nhau mà các nước thành viên đang áp dụng lên các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ như các mặt hàng thiết bị máy móc, các mặt hàng nông sản, ô tô, các sản phẩm khoa học công nghệ truyền thông thông tin…
TPP cũng được cho là sẽ giúp giảm thiểu các quy định để thúc đẩy thương mại dựa trên Internet, một trong những trụ cột tạo nên vị thế của Mỹ đồng thời là một trong những cơ hội lớn nhất cho sự phát triển của thế giới. Với các quy định mạnh mẽ, TPP đảm bảo những cải tiến tốt nhất, tránh các rào cản thương mại đồng thời giúp duy trì thị trường kỹ thuật số toàn cầu hiệu quả.
TPP cũng góp phần đảm bảo cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tại tất cả các quốc gia TPP tranh thủ lợi thế của việc mua hàng trực tuyến, giao tiếp hiệu quả, giá rẻ, tiếp cận và lưu trữ dữ liệu, giúp loại bỏ các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ trong việc tiếp cận thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, TPP cũng vấp phải không ít sự chỉ trích. Public Citizen, một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng TPP là một thỏa thuận gây tranh cãi và “chỉ làm lợi cho các công ty lớn.”
Mặc dù các quan chức Mỹ khẳng định rằng hiệp định bao hàm cả những điều khoản bảo vệ người lao động và môi trường, song những người chỉ trích vẫn cho rằng “TPP có thể ảnh hưởng tới mọi thứ, từ giá phômai tới chi phí điều trị bệnh ung thư.”
Các nghiệp đoàn thương mại và những người chỉ trích cũng cho rằng thỏa thuận này sẽ buộc người lao động Mỹ phải đương đầu với sự cạnh tranh từ nước ngoài và bị mất việc làm.
Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ ở bang Wisconsin, ông Mark Pocan, nói: “Các hiệp định thương mại trong quá khứ đã được chứng tỏ là thảm họa đối với người lao động Mỹ. Do đó, Quốc hội cần phải nghiêm túc xem xét lại thỏa thuận này để đảm bảo người dân Mỹ không bị lừa gạt một lần nữa.”
Một mục tiêu khác của những người phản đối TPP là việc các công ty dược phẩm muốn bảo vệ các bằng sáng chế thuốc của họ. Các công ty dược phẩm Mỹ muốn được kéo dài thời gian bảo hộ độc quyền đối với các dữ liệu miêu tả quá trình sản xuất thuốc.
Các cố vấn chính sách luật của Tổ chức Bác sỹ Không biên giới, cho rằng "TPP sẽ đi vào lịch sử như là hiệp định thương mại tồi tệ nhất ngăn cản quyền tiếp cận thuốc men ở các quốc gia đang phát triển./.