Chính phủ Anh đưa ra 5 nguyên tắc cho đàm phán Brexit

Thủ tướng May nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào giữa Anh và EU liên quan đến Brexit đều cần thỏa mãn 5 "phép thử" hay còn gọi là 5 nguyên tắc cơ bản mà Anh định hướng cho quan hệ thương mại mới với EU.
Chính phủ Anh đưa ra 5 nguyên tắc cho đàm phán Brexit ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi thiết lập mối quan hệ đối tác gắn bó với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit, đồng thời đề ra các tham vọng về một thỏa thuận chi tiết liên quan đến sự phân xử độc lập và các nội dung mới về quy định pháp lý và dịch vụ tài chính.

Đây là nội dung chính trong bài phát biểu quan trọng thứ ba về Brexit, thể hiện những mong muốn và lập trường của Chính phủ Anh về mối quan hệ kinh tế giữa Anh và EU sau Brexit.

Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu trước các đại sứ và lãnh đạo doanh nghiệp Anh tại tòa nhà Mansion House, trụ sở của khu tài chính London, ngày 2/3, Thủ tướng May nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào giữa Anh và EU liên quan đến Brexit đều cần thỏa mãn 5 "phép thử" hay còn gọi là 5 nguyên tắc cơ bản mà Chính phủ Anh định hướng cho quan hệ thương mại mới với EU.

Thứ nhất, cần phải có những cam kết ràng buộc và có đi có lại, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh mở và công bằng.

Thứ hai, cần có cơ chế trọng tài hoạt động hoàn toàn độc lập.

Thứ ba, duy trì đối thoại và tham vấn thường xuyên. Thứ tư, hai bên cần đạt được một thỏa thuận về bảo vệ dữ liệu.

Nguyên tắc cuối cùng là Anh và EU cần duy trì mối liên hệ giữa người dân.

[Brexit: Anh đưa đề xuất mới mang tính nhượng bộ về quyền công dân]

Thủ tướng May cho rằng mối quan hệ thương mại mới sẽ cần các thỏa thuận tương hỗ, nhưng luật pháp Anh sẽ không giống với EU để có được kết quả pháp lý giống nhau.

Trong lĩnh vực hóa chất, hàng không và dược phẩm, Anh sẽ hướng tới tuân thủ quy định của EU và đề xuất quan hệ đối tác hải quan phù hợp với mức thuế quan giống nhau cho hàng hóa bán sang EU.

Nhà lãnh đạo Anh nhận định đây là thời điểm quan trọng và London cần một cơ chế phân xử hoàn toàn độc lập, làm nền tảng cho các thỏa thuận thương mại tự do.

Theo bà, các dịch vụ tài chính nên là một phần của mối quan hệ tương lai với EU và Anh cần một cơ chế phối hợp và khách quan để giám sát thương mại dịch vụ tài chính.

Nhà lãnh đạo Anh khẳng định cả London và EU đều phải nhượng bộ trong đàm phán Brexit, đồng thời bày tỏ tin tưởng về việc đạt được một thỏa thuận với EU. Bà cũng thừa nhận rằng Anh cần phải giải quyết các bất đồng về một số vấn đề chính.

Thủ tướng May kêu gọi một thỏa thuận thương mại tự do trong phần lớn các lĩnh vực, tiến xa hơn thỏa thuận đã ký giữa Canada và EU, nhưng không chi tiết như thỏa thuận giữa EU với Na Uy, quốc gia đang là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu.

Bà nhấn mạnh nước Anh cần một sự cân bằng mới, trong đó London sẽ không chỉ bằng lòng với những quyền lợi mà Canada đang có, hay chấp nhận những nghĩa vụ mà Na Uy phải tuân thủ.

Về vấn đề biên giới Bắc Ireland, bà tuyên bố sẽ không để cho Brexit gây phương hại tiến trình đảm bảo hòa bình tại Bắc Ireland.

Bà nhấn mạnh cả Anh và EU cùng có trách nhiệm tìm ra một giải pháp trong các cuộc đàm phán Brexit về cách thức tránh một biên giới cứng giữa Bắc Ireland của Anh và nước Cộng hòa Ireland.

Bà May cũng lưu ý rằng bất cứ một đường biên giới cứng nào hay một đường biên giới hải quan tại biển Ireland mà phá vỡ thị trường chung của Vương quốc Anh đều sẽ không thể chấp nhận được.

Cả Ireland và EU đều kêu gọi thúc đẩy một thỏa thuận Brexit tránh biên giới cứng giữa Ireland và Bắc Ireland nhằm tôn trọng "Thỏa thuận hòa bình ngày Thứ Sáu tốt lành" năm 1998 kết thúc 3 thập kỷ bạo lực tại hòn đảo này.

Trước đó, các nhà lãnh đạo EU bày tỏ sự bất bình trước việc Anh không nêu rõ chi tiết thỏa thuận mà họ mong muốn.

Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier từng cảnh báo rằng thời gian đàm phán là quá ngắn để có thể đạt được thỏa thuận kịp thời vào tháng 10, qua đó giúp Anh rời khỏi liên minh này vào năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.