Chính phủ Anh hoãn cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội

Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định tạm hoãn việc đưa thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, ra bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện.
Chính phủ Anh hoãn cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội ảnh 1Cờ Anh (phía trên) và cờ EU (phía dưới) tại thủ đô London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/12, Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định tạm hoãn việc đưa thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, ra bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện.

Đây được xem là một quyết định khó khăn đối với Thủ tướng Anh sau những cảnh báo từ các quan chức thân cận của bà May về một thất bại nặng nề đối với chính phủ nếu thỏa thuận Brexit đạt được giữa Anh và EU cuối tháng trước vẫn được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 11/12 như kế hoạch ban đầu.

Theo phóng viên TTXVN tại London, trong thông báo lúc 11 giờ 15 sáng ngày 10/12 (theo giờ địa phương), Văn phòng Nội các Anh vẫn khẳng định cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra “như kế hoạch.”

[Thực hư thông tin hoãn cuộc bỏ phiếu Brexit tại Quốc hội Anh]

Nhưng ngay sau đó, trong một cuộc họp trực tuyến với các thành viên nội các, Thủ tướng May đã đưa ra thông báo hoãn.

Ngay lập tức đồng bảng Anh đã giảm 0,7% giá trị so với đồng euro, xuống mức một bảng chỉ còn tương đương 1,1087 euro, mức thấp nhất kể từ tháng 9 đến nay.

Đây là phản ứng của thị trường trước viễn cảnh đáng lo ngại về việc cuộc bỏ phiếu có thể bị hoãn vô thời hạn, qua đó khiến tiến trình Brexit càng trở nên khó khăn với nhiều xáo trộn.

Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã chỉ trích việc Chính phủ Anh hoãn cuộc bỏ phiếu quan trọng trên là một hành động "hèn nhát."

Trong tuyên bố của mình, bà Sturgeon nêu rõ: "Thỏa thuận (Brexit) của Thủ tướng May cần ngay lập tức được trình lên (Quốc hội) để văn kiện này bị phủ quyết và chúng ta có thể thay thế sự hỗn loạn trong đảng Bảo thủ với một giải pháp sẽ bảo vệ việc làm, điều kiện sống và vị trí của Scotland tại châu Âu."

Quyết định của bà May được đưa ra sau những cảnh báo của ông Julian Smith, nghị sỹ phụ trách kỷ luật của đảng Bảo thủ tại Hạ viện, về việc kế hoạch thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện sẽ thất bại nặng nề nếu được triển khai, với hàng chục nghị sỹ của chính đảng Bảo thủ đã đe dọa sẽ chống lại thỏa thuận này.


[Đức chấp nhận việc Anh có thể đơn phương đảo ngược quá trình Brexit]

Thủ tướng Anh đang hy vọng việc trì hoãn kế hoạch bỏ phiếu sẽ giúp bà có thêm thời gian tìm kiếm những nhượng bộ khác từ phía EU để làm vừa lòng dư luận nước Anh.

Dự kiến, bà May sẽ tham dự một cuộc họp với Hội đồng châu Âu ngày 13/12 tới để tìm kiếm sự ủng hộ.

Mối quan tâm chính của bà sẽ là kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland - vấn đề đang vấp phải sự chống đối dữ dội của các nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ Brexit cứng.

Văn phòng Nội các Anh cho rằng thỏa thuận mà Anh và EU đạt được cuối tháng 11 vừa qua là “hoàn chỉnh,” và việc mở lại văn bản này có thể dẫn đến việc các nước khác tranh thủ bổ sung những yêu sách mới của mình.

Pháp được cho là muốn Anh nhượng bộ nhiều hơn về quyền đánh bắt hải sản, trong khi Tây Ban Nha muốn có nhượng bộ từ Anh trong vấn đề Gibraltar.

Chính phủ Anh hoãn cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội ảnh 2Thủ tướng Anh Theresa May tại thủ đô London ngày 5/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thay vào đó bà May được cho là sẽ tìm kiếm những lời bảo đảm hoặc giải thích rõ ràng hơn từ EU để thuyết phục các nghị sỹ Bảo thủ rằng kế hoạch dự phòng cho vấn đề biên giới Ireland chỉ mang tính tạm thời.

Thủ tướng Anh và quan chức phụ trách kỷ luật của Đảng Bảo thủ Julian Smith đã thống nhất sẽ xem xét tình hình từ nay đến ngày 17/12, trước khi đưa ra các thông báo mới về kế hoạch bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện, với hy vọng các nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ Brexit cứng sẽ thay đổi quan điểm.

Tuy nhiên, nếu bà May không đạt được những cam kết mang tính ràng buộc từ EU thì cũng ít có khả năng bà sẽ thuyết phục được các nghị sỹ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ của mình quay sang ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.