Chính phủ Brazil thúc đẩy tư nhân hóa nhằm khôi phục nền kinh tế

Ngày 13/9, Chính phủ của tân Tổng thống Brazil Michel Temer thông báo kế hoạch tư nhân hóa nhiều dự án dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng với mục đích thu về hàng tỷ USD giúp khôi phục kinh tế.
Chính phủ Brazil thúc đẩy tư nhân hóa nhằm khôi phục nền kinh tế ảnh 1Tổng thống Michel Temer phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ở Brasilia ngày 13/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/9, Chính phủ của tân Tổng thống Brazil Michel Temer thông báo kế hoạch tư nhân hóa nhiều dự án dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng với mục đích thu về hàng tỷ USD giúp khôi phục kinh tế đất nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, kế hoạch này bao gồm việc đấu thầu quyền khai thác các mỏ dầu khí, các sân bay tại nhiều thành phố lớn, một số tuyến đường cao tốc liên bang tại miền Nam và miền Tây, hệ thống cảng biển, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng và phát triển các dự án năng lượng.

Chính phủ của ông Temer cũng cam kết không theo đuổi chính sách kinh tế dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Dilma Rousseff bởi sự can dự nhiều của nhà nước vào các hoạt động kinh tế, làm ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư.

Bà Rousseff vừa bị Quốc hội bãi nhiệm hôm 31/8 vừa qua vì vi phạm luật ngân sách và che đậy tình trạng thâm hụt tài chính lớn ở quốc gia có nền kinh tế số một Mỹ Latinh đúng vào năm bầu cử 2014.

Tổng thống Temer tuyên bố cần thu hút đầu tư tư nhân bởi nhà nước không thể tham gia vào tất cả hoạt động kinh tế. Trước áp lực đưa đất nước khỏi tình trạng suy thoái, tân Tổng thống Temer đang theo đuổi chính sách tư nhân hóa triệt để.

Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong 25 năm qua, với thâm hụt ngân sách ở mức tương đương trên 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay nền kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy giảm và tăng trưởng âm 3,5%.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần 9 thập kỷ, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 1930./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.