Chính phủ Canada ưu tiên hàng đầu việc phê chuẩn CPTPP

Canada muốn đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhằm bù đắp cho tác động tiêu cực do căng thẳng thương mại với Mỹ.
Chính phủ Canada ưu tiên hàng đầu việc phê chuẩn CPTPP ảnh 1Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/6, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne cho biết nước này muốn đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhằm bù đắp cho tác động tiêu cực do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Phát biểu với các nghị sỹ, ông Champagne cho biết việc phê chuẩn CPTPP - phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận - là "ưu tiên hàng đầu" của chính phủ Canada.

CPTPP đã được đại diện của 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký hồi tháng Ba vừa qua và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 nước phê chuẩn.

Ông Champagne cho biết sẽ đẩy nhanh việc đưa ra dự luật về hiệp định trước khi Quốc hội nhóm họp vào mùa Hè này.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Canada và Mỹ gần đây xấu đi do Washinton áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nhôm, thép từ Canada, đồng thời đe dọa có động thái tương tự nhằm vào ngành ôtô của nước này.

Tiếp đó, ngày 9/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời khỏi hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại Canada sớm hơn dự kiến và chỉ thị các đại diện của Mỹ không tán thành tuyên bố chung của hội nghị.

Lý do mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra là Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có "tuyên bố sai trái" trong cuộc họp báo sau hội nghị khi thừa nhận tồn tại bất đồng giữa Mỹ và các nước khác trong nhóm.

CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia thành viên.

Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.