Theo phóng viên TTXVN tại Rome, chính phủ liên minh dân túy và cực hữu của tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 5/6 theo giờ địa phương đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện (320 ghế) với 171 phiếu thuận và 117 phiếu chống.
Với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện như trên, Italy bước đầu đã tránh được nguy cơ lại rơi vào tình trạng bế tắc chính trị tiếp sau cuộc tổng tuyển cử hôm 4/3. Tuy nhiên, Chính phủ Conte giờ đây còn phải vượt qua một thử thách quan trọng khác, đó là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện, dự kiến tổ chức trong ngày 6/6.
[Tân Thủ tướng Italy cam kết cắt giảm nợ công, thúc đẩy quan hệ với Nga]
Giới phân tích cho rằng Chính phủ Conte cũng sẽ dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện do liên minh cầm quyền, gồm đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn, hiện chiếm đa số ghế tại Quốc hội.
Trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu đầu tiên tại Thượng viện, Thủ tướng Conte cam kết sẽ thay đổi mạnh mẽ Italy, xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về tăng trưởng giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn đảm bảo được tình trạng ổn định về tài chính và sự tín nhiệm của các thị trường.
Ông Conte cũng kêu gọi xây dựng một châu Âu mạnh mẽ và công bằng hơn, đồng thời cam kết ngăn chặn hoạt động đưa người di cư bất hợp pháp vào Italy, giảm bớt tỷ lệ nợ công (hiện đứng ở mức khoảng 132% GDP) thông qua thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Trong quan hệ giữa phương Tây với Nga, ông Conte kêu gọi xem xét lại các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Tân Thủ tướng Italy đồng thời nhấn mạnh cam kết đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như vai trò đồng minh với Mỹ.
Cũng trong ngày 5/6, trong cuộc tranh luận tại Thượng viện sau khi đã đưa ra bài phát biểu đầu tiên của mình về các chính sách của chính phủ mới, tân Thủ tướng Conte cho biết chính phủ của ông không có kế hoạch rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Sau các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, tân Thủ tướng Conte sẽ lên đường sang Canada dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), bắt đầu từ ngày 8/6, và dự kiến sẽ có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Dư luận châu Âu và quốc tế hiện vẫn đang quan ngại về khả năng Italy sẽ rời khỏi Eurozone dưới sự lãnh đạo của chính phủ dân túy, cực hữu của ông Conte. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định thành phần chính phủ của ông Conte hiện nay là một sự thỏa hiệp không chỉ giữa M5S và đảng Liên đoàn, mà còn giữa hai đảng này với Tổng thống Sergio Mattarella, vốn đang quan ngại về vị thế của Italy trong các vấn đề của châu Âu cũng như quốc tế.
Việc bổ nhiệm ông Giovanni Tria, thay vì nhân vật Paolo Savona - vốn có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế có nghĩa Italy muốn trấn an các đối tác châu Âu rằng Italy cam kết sẽ ở lại Eurozone.
Chính phủ mới của Italy ban đầu khi mới tuyên thệ nhậm chức từng có những tuyên bố cứng rắn với EU như dọa sẽ rút khỏi liên minh này nếu EU không thay đổi một số chính sách liên quan đến tài khóa và vấn đề người di cư. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận mới nhất của M5S và Liên đoàn cho thấy liên minh cầm quyền này đã mềm mỏng hơn trong quan điểm chống lại đồng euro.
Tân Bộ trưởng Kinh tế Giovanni Tria sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tuần trước cũng khẳng định “không có chính đảng nào ở Italy muốn nước này rời khỏi Eurozone”. Ngoài ra, việc ông Enzo Moavero Milanesi, từng là một bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu dưới thời hai thủ tướng Mario Monti và Enrico Letta, hiện đang giữ chức Ngoại trưởng cũng được cho là nhằm tái khẳng định vai trò của Italy trong EU và NATO.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận mới nhất do công ty Ipsos tiến hành cho thấy lòng tin của người dân Italy đối với EU hiện đang sụt giảm mạnh, với 56% số người được hỏi ý kiến nói rằng họ không còn tin tưởng vào Brussels.
Mặc dù vậy, chỉ có 25% cho biết họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc Italy rời khỏi EU nếu một cuộc trưng cầu ý dân theo kiểu Brexit được tiến hành. 55% nói rằng họ ủng hộ việc Italy ở lại EU và 20% thì vẫn đang do dự.
Cuộc thăm dò cũng cho kết quả tương tự nếu một cuộc trưng cầu ý dân về đồng euro được tiến hành với 49% ủng hộ Italy ở lại Eurozone và 29% muốn Italy rời khỏi khu vực này./.