Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan đối mặt với nhiều thách thức

Liên hợp quốc yêu cầu Nam Sudan cần khẩn trương thực hiện các nội dung của thỏa thuận hòa bình 2018, nổi bật trong đó là các cam kết về an ninh.
Ông Riek Machar (thứ 2, phải), lãnh đạo lực lượng phiến quân, tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan tại Juba ngày 22/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Riek Machar (thứ 2, phải), lãnh đạo lực lượng phiến quân, tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan tại Juba ngày 22/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Nam Sudan David Shearer cho biết Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan đang phải đối mặt với một loạt thách thức.

Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ chính là phép thử quan trọng để đánh giá nỗ lực và sự thống nhất của nước này trong giai đoạn chuyển tiếp.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Shearer đã yêu cầu Nam Sudan cần khẩn trương thực hiện các nội dung của thỏa thuận hòa bình 2018, nổi bật trong đó là các cam kết về an ninh.

Ông cho rằng, chính phủ đoàn kết có thể thúc đẩy những thay đổi tích cực, bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho những người phải rời bỏ nhà cửa sang các địa phương khác trong nước để lánh nạn về nhà và hồi hương người tị nạn.

Sau khi thỏa thuận hòa bình 2018 được ký kết giữa Tổng thống Salva Kiir và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar, khoảng 800.000 người dân lánh nạn trong nước đã quay trở về nhà.

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Kiir vẫn tiếp tục đề nghị những người dân đang sống trong các trại tập trung trong cả nước và tị nạn ở các nước láng giềng nhanh chóng hồi hương.

[Nam Sudan chính thức lập chính phủ đoàn kết sau nhiều năm nội chiến]

Ông cũng yêu cầu cần phải đảm bảo sự an toàn cho các khu vực tái định cư để người dân yên tâm trở về.

Mặc dù Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, song đặc phái viên Liên hợp quốc vẫn đánh giá cao các nhà lãnh đạo Nam Sudan trong thời gian qua khi thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình.

Ông Shearer bày tỏ hy vọng thời gian tới nhiều chính sách tiến bộ sẽ tiếp tục được chính quyền Nam Sudan thực hiện.

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các đối tác quốc tế tăng cường hỗ trợ cũng như tạo áp lực nhất định để thúc đẩy và duy trì nỗ lực của chính phủ đoàn kết trong tiến trình tái thiết đất nước.

Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan được thành lập vào ngày 22/2 vừa qua, theo thoả thuận hoà bình được ký kết tháng 9/2018 giữa Tổng thống Salva Kiir và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar.

Ông Machar cũng đồng thời tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống thứ nhất của đất nước.

Các bên liên quan tại Nam Sudan đang đàm phán về việc phân bổ các chức bộ trưởng trong chính phủ chuyển tiếp. Giai đoạn chuyển tiếp ở Nam Sudan sẽ kéo dài trong 3 năm, và kết thúc bằng tổng tuyển cử trong cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.