Đức muốn tiếp tục giúp đỡ các công ty làm ăn với Iran

Chính phủ Đức muốn tiếp tục giúp đỡ các công ty làm ăn với Iran

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức muốn tiếp tục hỗ trợ các công ty của nước này làm ăn với Iran sau khi Mỹ đơn phương quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Chính phủ Đức muốn tiếp tục giúp đỡ các công ty làm ăn với Iran ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức muốn tiếp tục hỗ trợ các công ty của nước này làm ăn với Iran sau khi Mỹ đơn phương quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức, Anh và Pháp cho biết vẫn cam kết thực hiện JCPOA. Ngoại trưởng 3 nước châu Âu này sẽ thảo luận với phía Iran vào ngày 15/5 ở Brussels về những diễn biến mới và các kế hoạch tiếp theo trong việc duy trì và thực hiện thỏa thuận hạt nhân.

[Đức: Việc Mỹ rút khỏi JCPOA làm suy yếu lòng tin vào trật tự toàn cầu]

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Đức cũng thừa nhận khó khăn trong việc bảo vệ các công ty tiếp tục làm ăn với Iran trước những rủi ro từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cho rằng sẽ khó có thể tìm ra một "giải pháp đơn giản" cho vấn đề này.

Ông Maas cho biết châu Âu muốn đảm bảo rằng Iran sẽ tiếp tục tuân thủ các quy tắc và tôn trọng thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cũng nhắc lại lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác rằng Iran nên chấp nhận một thỏa thuận có phạm vi rộng lớn hơn, bao gồm cả vai trò của nước này trong các vấn đề ở khu vực.

Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt chống Tehran, vốn đã được dỡ bỏ sau khi JCPOA được ký kết vào năm 2015.

Động thái này của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. EU lo ngại nếu thỏa thuận trên sụp đổ sẽ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.