Chính phủ Ecuador tuyên bố sẽ tiếp tục Dollar hóa nền kinh tế

Ngày 28/6, Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Dollar hóa hoàn toàn nền kinh tế, vốn được thực hiện từ năm 2000.
Chính phủ Ecuador tuyên bố sẽ tiếp tục Dollar hóa nền kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: tradenews)

Ngày 28/6, Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Dollar hóa hoàn toàn nền kinh tế, vốn được thực hiện từ năm 2000. Ông Correa nói chừng nào ông còn nắm quyền điều hành đất nước, nền kinh tế Ecuador sẽ tiếp tục chính sách Dollar hóa hoàn toàn.

Ecuador đã Dollar hóa nền kinh tế vào đầu năm 2000 khi nước này cố vượt qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, với một hệ thống ngân hàng suy sụp và đồng nội tệ Sucre mất giá. Trước khi đổi hệ thống tiền sang Dollar, Ecuador đã thử tiến hành nhiều biện pháp hối đoái khác nhau như tỷ giá cố định hay chính sách ghìm tỷ giá. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này đều không có hiệu quả và đến nay, quyết định Dollar hoá vẫn được coi là hợp lý đối với Ecuador.

Trong những tuần qua, ông Correa đang phải đối đầu với làn sóng phản đối gia tăng của phe đối lập tới dự luật liên quan tới việc đánh thuế tài sản thừa kế và sở hữu nhiều bất động sản. Phe đối lập cũng tung tin đồn về việc Chính phủ sẽ bãi bỏ chính sách Dollar hóa nền kinh tế gây nên làn sóng lo sợ trong nhân dân.

Theo Tổng thống Correa, các dự luật nói trên chỉ nhằm xóa bỏ tình trạng trốn thuế và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng Bảy tới. Chính phủ đã tạm hoãn việc xem xét các văn bản này để ngăn chặn tình trạng biểu tình trên đường phố. Tổng thống Correa cho rằng nhiệm vụ phân chia lại tài sản trong xã hội là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Tại Mỹ Latinh, có ba quốc gia Dollar hóa hoàn toàn nền kinh tế bao gồm Panama năm 1904, Ecuador năm 2000 và El Sanvador năm 2001./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.