Trong cuộc họp chính phủ ngày 2/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết chính phủ nước này sẽ “bơm” quỹ bình ổn khẩn cấp của nhà nước vô thời hạn và không giới hạn về số lượng để ổn định giá nông sản và chăn nuôi cho đến khi giá tiêu dùng vốn đang tăng cao, được kiểm soát.
Theo Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, quyết định này được đưa ra 8 ngày trước khi Hàn Quốc bầu cử Quốc hội vào ngày 10/4 tới, làm dấy lên suy đoán rằng giá thực phẩm, hàng hóa và các nhu yếu phẩm khác tăng cao có thể làm tổn hại đến tín nhiệm của người dân đối với chính quyền và đảng Sức mạnh nhân dân cầm quyền.
Theo Tổng thống Yoon, giá tiêu dùng trong tháng trước đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, duy trì ở mức tương tự so với tháng trước đó. Do có sự hỗ trợ của chính phủ cho các sự kiện giảm giá và nhập khẩu trái cây, lạm phát giá nông sản đã chậm lại vào cuối tháng Ba, nhưng giá vẫn dao động ở mức tương đối cao.
Tổng thống Yoon cũng cho rằng lạm phát giá thực phẩm giáng đòn mạnh nhất vào các tầng lớp xã hội dễ bị tổn thương.
Do vậy, chính phủ cam kết sẽ mở rộng hỗ trợ đối với các sự kiện giảm giá và nhập khẩu trái cây đến các cửa hàng nhỏ và chợ truyền thống. Tổng thống Yoon cũng yêu cầu chính phủ tìm kiếm các kênh cung cấp mới để hợp lý hóa quá trình phân phối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Đầu tháng trước, chính phủ và đảng Sức mạnh nhân dân cầm quyền đã đồng ý “bơm” 150 tỷ won (khoảng 111 triệu USD) từ quỹ bình ổn giá của nhà nước để ổn định giá nông sản bằng cách bồi thường cho các chuỗi siêu thị lớn khi họ tổ chức các sự kiện giảm giá.
Tuy nhiên, nông sản, đặc biệt là trái cây, vẫn duy trì được mức giá cao. Theo thống kê của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, giá nông sản trong tháng Ba đã tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, khiến lạm phát chung tăng 0,79 điểm phần trăm. Trong số đó, giá táo tăng 88,2%, mức tăng cao nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu theo dõi giá vào năm 1980.
Và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch bầu cử của khối cầm quyền. Theo một cuộc khảo sát do báo Hankook Ilbo thực hiện, cử tri ở sáu khu vực “chiến trường” của thủ đô Seoul, thành phố Busan, Gwangju và tỉnh Gyeonggi, đã chọn trái cây tăng vọt và giá tiêu dùng khác là những vấn đề quan trọng nhất mà họ sẽ cân nhắc khi bỏ phiếu cho các ứng cử viên, tạo ra một nguy cơ cho đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử./.