Chính phủ Indonesia tin tưởng RCEP được ký kết trong năm nay

Một khi được ký kết, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 nền kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương, chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Chính phủ Indonesia tin tưởng RCEP được ký kết trong năm nay ảnh 1Nông dân làm việc trên cánh đồng ở Banda Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Indonesia nhận định Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) sẽ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia thành viên diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan trong tuần này do Việt Nam chủ trì theo hình thức trực tuyến. 

Phát biểu với các phóng viên ngày 10/11, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto bày tỏ tin tưởng lãnh đạo 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết RCEP tại hội nghị trực tuyến ngày 15/11 tới.

Ông Agus cho biết hiệp định "chiến lược" này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu của Indonesia sang các nước thành viên khác tham gia RCEP.

Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, bà Airlangga Hartarto cho rằng RCEP có thể giúp các nước trong khu vực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau thời kỳ suy thoái vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

[Đàm phán RCEP: Nhật Bản sẽ vẫn áp thuế lên các nông sản nhạy cảm]

Các nước tham gia đàm phán RCEP đã nhất trí các điều khoản của hiệp định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra hồi tháng 11/2019, mở đường cho hiệp định được ký kết trong năm nay.

Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán năm ngoái, lo ngại việc xóa bỏ thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu tràn ngập thị trường nước này, theo đó có thể làm tổn hại các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các nước còn lại khẳng định vẫn chào đón New Delhi tham gia hiệp định.

Một khi được ký kết, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với sự tham gia của 15 nền kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương, chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Các nước thành viên sẽ có thời gian 2 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận để xây dựng chi tiết các điều khoản trước khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực.

Bộ trưởng Agus Suparmanto cho biết Indonesia sẽ tận dụng thời gian này để chuẩn bị cho các doanh nghiệp tận dụng được tối đa lợi ích mà RCEP mang lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.