Cắt giảm 10 tỷ euro ngân sách để tránh tăng thuế nhằm hướng tới việc kích thích tăng trưởng kinh tế là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Chính phủ Italy đưa ra trong định hướng kinh tế của nước này trong hai năm 2015 và 2016.
Được kỳ vọng sẽ thông qua trong thời gian ngắn nhất có thể, định hướng kinh tế này được soạn thảo nhằm hướng Italy tăng trưởng theo những dự đoán lạc quan mới được chính phủ nước này đưa ra.
Trong tháng Ba, chính phủ dự đoán GDP của Italy trong năm 2015 sẽ ở mức 0,7%, cao hơn 0,1% so với ước tính đưa ra hồi đầu năm.
Đó cũng sẽ là năm đầu tiên mà Italy có tăng trưởng GDP dương sau bốn năm khủng hoảng liên tục.
Kể từ quý 2/2011, trong suốt 14 quý liên tiếp, Italy luôn tăng trưởng âm, và nền kinh tế chìm vào suy thoái sâu.
Theo nhật báo kinh tế Il Sole 24 Ore, cắt giảm ngân sách phình to trong những năm qua chính là điều mà chính phủ buộc phải làm, khi việc tăng thuế để lấp thâm hụt ngân sách nhằm đáp ứng các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra không khả thi.
Thâm hụt ngân sách của Italy từ vài năm qua đã đe dọa vượt mức trần 3% GDP mà EU quy định. Định hướng kinh tế đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách tương đương 2,6% GDP trong năm 2015.
Do đó, việc dự tính ban đầu nhằm tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) trong các năm từ 2016 đến 2018 để bù thâm hụt ngân sách đã bị tạm hoãn lại, do lo ngại sẽ có tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.
Theo dự tính ban đầu, thuế giá trị gia tăng sẽ được tăng lên 25,5% vào năm 2018 từ 22% vào thời điểm hiện tại, trong khi mức đánh thuế này vào một số khu vực, trong đó có dịch vụ, lương thực, giao thông... sẽ tăng từ 10% lên 13% vào năm 2018.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế Italy cho rằng việc tăng thuế giá trị gia tăng VAT có thể đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng GDP, và việc cắt giảm ngân sách, với việc rà soát lại các khoản chi của các cơ quan công quyền địa phương, vốn từ lâu được cho là "vung tay quá trán" và thiếu hiệu quả.
Tuy nhiên, dự kiến cắt giảm 10 tỷ euro ngân sách của chính phủ đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các cấp chính quyền địa phương cũng như bản thân trong đảng Dân chủ (Pd), đảng của Thủ tướng Matteo Renzi.
Piero Fassino, một thành viên trong đảng này, cũng là chủ tịch liên đoàn các thị trưởng Italy cho rằng, với việc cắt giảm ngân sách giáng vào địa phương, chính phủ đang ngày càng làm "giảm hiệu năng" của chính quyền địa phương và cho các cơ quan công quyền ở cấp cơ sở là "gánh nặng của nền kinh tế quốc gia," một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Một thống kê của Hiệp hội thợ thủ công và doanh nghiệp nhỏ Mestre (CGIA Mestre) cho thấy kể từ năm 2011, Chính phủ đã cắt giảm 25 tỷ euro ngân sách của các chính quyền địa phương Italy, từ cấp xã đến tỉnh và vùng.
CGIA cho rằng, với việc cắt giảm này, chính phủ đã đổ những rắc rối liên quan đến ngân sách lên chính quyền cấp thấp hơn.
Theo CGIA, với ngân sách bị cắt giảm, chính quyền địa phương sẽ không thể cung cấp các dịch vụ tốt cho công dân, dẫn đến sự kém hiệu quả của bộ máy công quyền và làm tăng bức xúc trong dư luận./.