Ngày 9/3, với tỷ lệ 138 phiếu thuận, 71 phiếu chống và 21 phiếu trắng, Thượng viện Italy đã thông qua dự luật hỗ trợ người nghèo.
Dự luật này, trước đó cũng đã được Hạ viện Italy thông qua, sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vài tuần tới.
Phát biểu với báo giới cùng ngày, Thủ tướng Paolo Gentiloni nhấn mạnh dự luật mới này là một bước tiến nhằm hỗ trợ các gia đình nghèo, và chính sách xã hội là một ưu tiên của chính phủ.
Theo dự luật nói trên, Chính phủ Italy sẽ cấp mỗi tháng từ 400-480 euro cho những người nghèo, nhất là các cặp vợ chồng có con nhỏ và những người bị thất nghiệp ở độ tuổi trên 55, xét theo từng hoàn cảnh cụ thể. Rome đã dành 1,6 tỷ euro cho chương trình này trong năm 2017 và cam kết sẽ bổ sung thêm ngân sách trong những năm tới.
Các khoản tiền sẽ được cấp với những điều kiện ràng buộc kèm theo, trong đó có việc yêu cầu những trẻ em sống phụ thuộc phải đến trường cũng như phải được tiêm vắcxin, đồng thời những người thất nghiệp phải cam kết tìm kiếm việc làm.
Bộ trưởng Lao động Italy Giuliano Poletti khẳng định chương trình nói trên là “trụ cột quan trọng trong kế hoạch quốc gia nhằm xóa đói giảm nghèo." Ông Poletti cũng dự kiến khoảng 400.000 gia đình nghèo ở Italy với tổng cộng 1,7 triệu người sẽ được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ người nghèo này.
Giới phản đối dự luật nói trên cho rằng chương trình hỗ trợ người nghèo của Chính phủ Italy chỉ giải quyết được bề mặt của vấn đề. Các số liệu mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy tỷ lệ có nguy cơ lâm vào tình trạng nghèo khổ hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Italy đã tăng tới mức hơn 11% vào năm 2015, so với mức trung bình 8,5% của EU.
Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), số người dân nước này sống trong tình trạng “nghèo tuyệt đối” đã tăng lên 4,6 triệu người, tức 7,6% dân số trong năm 2015, so với mức gần 7% của năm 2014.
Trong nhiều năm qua, Italy chỉ tập trung các nguồn lực phúc lợi xã hội dành cho người già, chi 15,8% GDP cho các khoản lương hưu - tỷ lệ cao nhất trong câu lạc bộ các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
ISTAT cũng cho biết chỉ chưa đầy 1% các khoản phúc lợi xã hội là được dành để giải quyết tình trạng nghèo đói và hỗ trợ những đối tượng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhiều chương trình hỗ trợ người thất nghiệp không thể kéo dài quá hai năm khiến một lượng lớn người trong đội quân thất nghiệp của Italy phải vật lộn nhằm đáp ứng các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống. Kể từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Italy thường dao động ở mức gần 12%, còn tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thì lên tới mức gần 40%./.